Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị loạt giải pháp “cứu” doanh nghiệp sau bão số 3

DNVN - Theo VCCI, sau bão số 3, rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Miễn giảm gần 78 nghìn tỷ đồng thuế cho doanh nghiệp, người dân / Kỳ vọng các chính sách lan tỏa hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng

Doanh nghiệp thiệt hại nặng

Cơn bão Yagi vừa qua gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh miền Bắc. Dẫn báo cáo của các doanh nghiệp và hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá…

Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hoá không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng.


Theo VCCI, sau bão Yagi doanh nghiệp cần được hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi.

Theo đánh giá của VCCI, việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động.

"Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân", VCCI nhấn mạnh.

Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, trong công văn vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, VCCI đề xuất một số nội dung chính sách.

Với những ngành, lĩnh vực và địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão Yagi, như các tàu cá, tàu du lịch, và các khu nuôi trồng thủy sản, VCCI đề nghị cần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Đồng thời, cần xem xét tăng mức hỗ trợ và mở rộng thêm cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản.

VCCI cũng đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho các tàu cá và tàu du lịch bằng cách thống kê thiệt hại với sự tham gia của chính quyền xã và chủ tàu. Bên cạnh đó, miễn tiền thuê mặt nước cho các khu nuôi trồng thủy sản đến hết năm 2025, đồng thời miễn hoặc giảm một số phí như phí ra vào cảng, phí neo đậu trong 6 tháng đến 1 năm. Nhà nước cũng nên hỗ trợ từ 50% đến 70% chi phí bảo hiểm cho tàu cá và tàu du lịch cho đến hết năm 2025.

VCCI đề nghị miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong 4 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giảm hoặc giãn các khoản nộp bảo hiểm xã hội và phí công đoàn trong cùng thời gian này.

Đối với các ngành và địa phương khác, VCCI khuyến nghị thực hiện nhanh các biện pháp phục hồi nông nghiệp theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP và mở rộng hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Một số đề xuất khác gồm: giảm thuế giá trị gia tăng cho xăng dầu và điện, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đến năm 2025. VCCI cũng khuyến cáo nên tiếp tục giãn các khoản nợ cho doanh nghiệp, kéo dài đến tháng 6/2025.

Ngoài ra, VCCI kiến nghị sử dụng quỹ phòng chống thiên tai (hiện còn gần 2000 tỷ đồng) để hỗ trợ cứu trợ và khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm