Kỷ nguyên số: Đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh là yếu tố cốt yếu của doanh nghiệp
Những nội dung này đã được các chuyên gia đề cập và phân tích tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số và vai trò của doanh nghiệp do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Cần xây dựng thể chế hiện đại
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, loài người chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi to lớn, đó là quá trình chuyển đổi số (CĐS). Bản chất của CĐS là sự chuyển đổi nhờ ứng dụng công nghệ số kết hợp với CNTT để thay đổi căn bản phương thức phát triển của xã hội và hành vi tương tác của con người. Quá trình CĐS đang đưa chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới của phát triển, đó là kỷ nguyên số.
Với các doanh nghiệp (DN), CĐS tạo ra sự đổi mới sáng tạo có tính chất đột phá trong sản xuất kinh doanh và tương tác với tất cả các bên liên quan. Đối với Chính phủ, CĐS tạo ra Chính phủ điện tử, Chính phủ không giấy tờ, dịch vụ công không tiếp xúc trực tiếp với người dân. Xu hướng CĐS đã trở thành khách quan và trở thành quy luật trên thị trường mà không một chủ thể nào dù sớm hay muộn có thể đứng bên ngoài.
Hiện nay, trên thế giới, quá trình CĐS không thể đảo ngược được, và đã diễn ra rất quyết liệt. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đến năm 2019 có 4,3 tỷ người - tương đường 57% dân số thế giới sử dụng intertnet, 5,1 tỷ người - tức 67% dân số dùng điện thoại di động, trong đó số người dùng MXH trên thiết bị di động là 3,2 tỷ người, chiếm 42% dân số thế giới.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
"Giai đoạn kỷ nguyên số có 1 yếu tố rất quan trọng, đó là đổi mới sáng tạo. Hiện chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 10 năm 2021 - 2030, trong đó có đặt vấn đề có nên coi khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là trụ cột cho giai đoạn mới hay không. Theo tôi, phải coi đổi mới sáng tạo là trụ cột quan trọng để bứt phá và phát triển", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.
Theo ông Bùi Quang Tuấn, cơ hội là to lớn nhưng để bắt nhịp được phải có tư duy và chính sách phù hợp. Thể chế là vấn đề cực kỳ quan trọng và là thách thức rất lớn. Tuy vậy, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã đưa ra Nghị quyết 52, trong đó đưa ra mục tiêu tổng quát là tận dụng cơ hội cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện những đột phá chiến lược hiện đại hóa đất, đồng thời đưa ra một loạt mục tiêu tương đối tham vọng.
"Mục tiêu như vậy đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, và đặc biệt cho DN. Bởi DN cuối cùng là những người chơi chính. Chúng ta có chính sách nhưng không có DN tham gia, không tạo ra được sự đồng thuận, sự quyết tâm nỗ lực của khu vực tư nhân tham gia thì chúng tôi nghĩ sẽ khó đạt các mục tiêu", ông Bùi Quang Tuấn đánh giá.
Nhấn mạnh đến vấn đề thể chế, PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, thực chất cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế. Mọi cơ hội và thách thức khi phát triển nền kinh tế số của Việt Nam đều bắt nguồn từ nguyên lý phi tuyến tính và biện chứng "đảo".
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, để nhận diện đúng thách thức và cơ hội đặt ra cho công cuộc phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay cần giải quyết 2 vấn đề: một là làm rõ thực chất của thời đại 4.0, với trục cốt lõi là kinh tế số; hai là định vị đúng Việt Nam tại vạch xuất phát (thực trạng) của công cuộc chuyển đổi sang kinh tế số.
Thành tích đổi mới hơn 30 năm qua là to lớn và căn bản. Nhưng nền kinh tế vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề cấu trúc, năng lực yếu kém nhiều mặt. Do đó, cần hệ thống thể chế cho nền kinh tế số. Cần cách tiếp cận mới trong việc xây dựng hệ thống thể chế hiện đại trong bối cảnh mới, tư duy và tầm nhìn phải hoàn toàn mới.
"Việt Nam cần chiến lược phát triển DN: trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, nền tảng là lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, và khởi nghiệp sáng tạo", ông Trần Đình Thiên đề xuất.
Một trong những kiến nghị then chốt của PGS. TS. Trần Đình Thiên là Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị sẽ được đưa vào văn kiện Đại hội như tuyên ngôn: chiến lược khoa học công nghệ, định hướng kinh tế số phải là chiến lược chung của kinh tế quốc gia, phải là một trục của kinh tế - xã hội. Trên nền tảng đó, ưu tiên về thể chế và chính sách, hướng đến đổi mới sáng tạo quốc gia, dành trí lực của XH vào đó nhiều hơn.
Đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh - yếu tố cốt yếu với DN
Tại hội thảo, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc khoa học Viện John von Neumann ĐHQG-HCM, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện nghiên cứu cao cấp về toán
cho biết, nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là CĐS, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ cơ bản để thực hiện tiến trình CĐS. CĐS thường được chia thành 3 giai đoạn: số hóa thông tin, số hóa tổ chức, và thực hiện quá trình CĐS đó.
"Đa số hiện nay trong XH hiện nay đều hiểu số hóa là số hóa thông tin, nhưng đây chỉ là một phần của số hóa và đổi mới sáng tạo của DN quan trọng nhất chính là nằm ở chỗ số hóa tổ chức", GS. TSKH Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.
Số hóa tổ chức là việc các tổ chức thay đổi hoặc sáng tạo ra và thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động của mình với dữ liệu công nghệ số. Và sau khi có mô hình, xác định cách làm việc với công nghệ số và dữ liệu số thực hiện quá trình chuyển đổi.
Số hóa tổ chức là việc chuyển đổi hoặc sáng tạo mô hình kinh doanh với dữ liệu của công nghệ số. Trong CĐS người ta hay nói "to be or not to be" (tồn tại hay không tồn tại) của mỗi DN. Theo ông Hồ Tú bảo, mỗi DN phải tự xác định nếu mình CĐS hay không CĐS, mình có cần phải theo trào lưu CĐS hay không? Câu hỏi này không ai trả lời thay cho DN được, DN phải tự quyết định xem lúc nào mình CĐS và mình có chuyển đổi bây giờ hay 2 - 3 năm nữa? Đây là câu hỏi quan trọng với mỗi chủ DN.
Ông Hồ Tú Bảo cho rằng, để CĐS, DN cần thưc hiện 6 bước: Một là nhận thức và tư duy mới. DN phải xác định CĐS có là vấn đề sống còn với mình hay không. Hai là xây dựng chiến lược và lộ trình. Ba là xây dựng năng số, tức là phải có thiết bị, con người, thay đổi văn hóa, thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Bốn là xác định các công nghệ chính. 5 là đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, nghĩa là cách tôi đang làm việc bây giờ sẽ phải thay đổi như thế nào với công nghệ số và với dữ liệu số. 6 là chuyển đổi quy trình từ nhỏ đến lớn.
Thông điệp mà ông Hồ Tú Bảo muốn chia sẻ với cộng đồng DN Việt Nam, đó là: Đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh có vai trò cốt yếu trong hoạt động của DN trong thời đại số. Phân tích kinh doanh là con đường và phương pháp cơ bản của đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Kiều Công Thược - Chủ tịch HĐQT VID4.0.,JSC, kiêm PCT HĐQT Bytesoft.vn đã chỉ ra những thách thức trong đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp trong kỷ nguyên số và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là Nhà nước thiếu chính sách ưu tiên cho khởi nghiệp ĐMST. Cụ thể, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đủ mạnh. Các DN FDI chưa lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Có thể nhận định, cộng đồng startup ở Việt Nam chưa thực sự được ưu tiên.
Lấy dẫn chứng cho ý kiến trên, ông Thược cho biết, tại Việt Nam hiện có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, hầu hết là các quỹ nước ngoài, chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ không lựa chọn Việt Nam, thay vào đó là các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các startup trong nước có thể sẽ ra nước ngoài để lập nghiệp.
Thách thức thứ hai, theo ông Kiều Công Thược là thủ tục chưa phù hợp đặc thù của khởi nghiệp ĐMST. Cụ thể, việc xin xác nhận sở hữu trí tuệ hoặc bản quyền cũng tốn thời gian, mà xin tại nước ngoài thì ít được công nhận.Vấn đề bảo hệ quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với DN khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, các thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT còn đòi hỏi nhiều thời gian, mà không có hiệu quả cao, việc bảo hộ kém tại Việt Nam.
Thứ ba, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST còn nhiều hạn chế. Mặc dù thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017 có nhiều cải thiện giúp cho tỷ lệ người tham gia khởi sự kinh doanh đã tăng lên, nhưng vẫn còn nhiều chr số mà Việt Nam kém so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực.
Ngoài ra, hỗ trợ pháp lý cho các DN khởi nghiệp chưa được quan tâm đúng mức để tự DN bơi trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, sự rủi ro khi DN nước ngoài vào Việt Nam.
Trước những thách thức và hạn chế trên, ông Kiều Công Thược đề xuất cần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo môi trường kinh doanh quốc tế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng các chương trình hỗ trợ thiết thực, khuyến khích phát triển khởi nghiệp ĐMST; Cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, các hiệp hội DN, DN và cộng đồng khởi nghiệp cần tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Tích cực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong DN thông qua khuyến khích đổi mới sáng tạo của các nhân viên, tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu ứng dụng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo