Làm ăn tại Việt Nam nhà bán lẻ Nhật Bản lãi trăm tỷ, “đại gia” Hàn Quốc lại lỗ lũy kế 800 tỷ đồng
Uniqlo sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM / Mỗi ngày, Việt Nam có hơn 300 doanh nghiệp khó khăn, rời bỏ thị trường
Bán lẻ là một trong những ngành có tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trong 3 năm từ 2013-2016 đã tăng trưởng lên đến hơn 63%. Năm 2017 doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với năm trước.
Thị phần bán lẻ Việt Nam khoảng 50% thuộc về doanh nghiệp nước ngoài và trong tương lai, sự “bành chướng” của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này được dự báo sẽ còn mạnh hơn nữa. Từ việc mở thêm và dự định mở thêm hàng loạt các trung tâm thương mại, chuỗi phân phối đến việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nội như trường hợp Aeon mua cổ phần Citimart và Fivimart có thể thấy các doanh nghiệp ngoại này không hề che giấu tham vọng “phủ sóng” khắp Việt Nam.
Aeon - doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Aeon, nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản chính thức bước chân vào Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng đại diện. Tháng 10/2011 Công ty TNHH Aeon Việt Nam chính thức được thành lập với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.
Lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Aeon xuất hiện với cụm trung tâm thương mại tại Tân Phú (TP.HCM) sau đó là các trung tâm thương mại tại Bình Dương, Long Biên (Hà Nội), Bình Tân (TP.HCM).
Trong năm 2015, Aeon cũng mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, hai doanh nghiệp có sẵn mạng lưới siêu thị với 18 chuỗi bán lẻ ở khu vực phía Bắc, 2020 đặt mục tiêu có 30 siêu thị trên toàn quốc (Fivimart) và 30 siêu thị (Citimart).
Aeon nhìn nhận tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn, dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn ở Việt Nam. Ngoài 4 trung tâm Aeon Mall đã đi vào hoạt động, tới đây Aeon sẽ tiếp tục mở thêm 2 trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông.
Năm 2016, doanh thu của Aeon đạt được gấp 3 lần năm 2014, lên đến 3.883 tỷ đồng, và bắt đầu ghi nhận khoản lãi 54 tỷ đồng trước thuế. Sang năm 2017, doanh thu của Aeon tăng 32% lên mức 5.136 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng tăng vọt lên mức 234 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả doanh thu, lợi nhuận trong những năm hoạt động tại Việt Nam như vừa nêu, là một trường hợp không phổ biến đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Thay vì xây dựng các trung tâm thương mại, Aeon xây dựng các "TOWN" cho cộng đồng dân cư địa phương. Đây là nơi công cộng tích hợp nhiều lợi ích cho tất cả cộng đồng như vui chơi, giải trí, mua sắm. Đặc biệt, Aeon không đặt các trung tâm trong thành phố mà thường ở các vùng ngoại thành.
Bên cạnh đó, Aeon Nhật Bản cũng đặt ra chiến lược kinh doanh "bám" lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt, lên phương án kinh doanh 30% hàng Nhật, 30% hàng Việt, còn lại là hàng hóa nhập từ các nước khác. Thái độ phục vụ, tiêu chuẩn vệ sinh công cộng “chuẩn” Nhật…
Lotte liên tục thua lỗ, lỗ lũy kế 800 tỷ đồng
Cùng kinh doanh tại Việt Nam tuy nhiên, trái ngược với nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Mart), công ty con của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc lại liên tục thua lỗ.
Đặt chân vào Việt Nam từ năm 2006, hoạt động dưới hình thức liên doanh với một đối tác Việt Nam để thành lập Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam theo tỷ lệ góp vốn 80:20, trong đó phía tập đoàn Hàn Quốc nắm 80%.
Năm 2007 và 2008, Lotte Mart chỉ đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Từ năm 2009, tập đoàn này bắt đầu ghi nhận doanh thu hơn 600 tỷ đồng. Giai đoạn 2013-2016, doanh thu Lotte Mart tăng cả nghìn tỷ mỗi năm, vượt mốc 5.000 tỷ đồng trong năm 2016 sau 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Năm 2017, theo Báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập bởi công ty PwC Việt Nam doanh thu đạt được là 5.268 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với tăng trưởng doanh thu trong suốt 11 năm vừa qua, Lotte Mart đều báo lỗ. Theo số liệu công bố từ Lotte Shopping Hàn Quốc, giai đoạn 2009-2011, mức lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy số lỗ giảm trong 2 năm 2012-2013 nhưng 4 năm từ 2014 đến nay, Lotte lại báo lỗ tiếp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Mức lỗ năm 2017 vừa qua khoảng 312 tỷ đồng. Sau 11 năm làm ăn ở Việt Nam, mặc dù tăng trưởng doanh thu đều đặn, Lotte Mart đã lỗ khoảng 2.300 tỷ đồng.
Phản hồi về những nội dung thông tin trên, phía Lotte Mart cho biết, Lotte Mart lỗ lũy kế 800 tỷ đồng và nguyên nhân chỉ ra do Lotte đưa nhiều trung tâm thương mại vào hoạt động, mỗi rung tâm mới khi đi vào hoạt động cần trung bình từ 5-8 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn.
Lotte cũng cho biết, từ năm 2008 đến nay, ước tính Lotte Mart đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại cho 13 trung tâm thương mại và Đại siêu thị cùng hàng loạt các chi phí kinh doanh như giá vốn sản phẩm, chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp…
Doanh nghiệp chi nhiều cho các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, …nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng. Do đó, một số dự án chưa có lợi nhuận theo kế hoạch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo