Lazada mất ngôi “vương” thương mại điện tử: Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Doanh nghiệp tư nhân làm gì? / Doanh nghiệp cá tra tiếp tục lãi lớn trong quý I
Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam quý I/2019 do iPrice Insights vừa công bố, sàn thương mại điện tử Lazada chỉ xếp ở vị trí thứ 3 về số lượt truy cập sau 2 doanh nghiệp khác là Shopee và Tiki.
Lazada đánh mất vị thế dẫn đầu sau việc thay đổi những chính sách được cho là không hỗ trợ tốt cho khách hàng. (Ảnh chụp màn hình). |
Cụ thể, sàn thương mại điện tử có lượt truy cập lớn nhất là Shopee với 40,7 triệu lượt truy cập web mỗi tháng, đứng thứ 2 là Tiki với 35,6 triệu lượt truy cập, Lazada đứng ở vị trí thứ 3 với 29 triệu lượt truy cập.
Từng là sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam với khoảng 42 triệu lượt truy cập/tháng năm 2018, việc Lazada bị hai sàn thương mại điện tử khác là Shopee và Tiki "vượt mặt" đã cho thấy sự khốc liệt của thị trường thương mại điện tử.
Tương tự Lazada, trang web bán hàng của Thế Giới Di Động cũng từng có thời điểm đạt tới 39 triệu lượt truy cập nhưng sang quý I/2019 chỉ còn 28,8 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 4. Tiếp sau đó là sàn thương mại điện tử Sendo với 25,3 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Lazada thay đổi chính sách không có lợi cho người tiêu dùng, các vụ việc giao hàng nhầm, hàng lỗi đã nhanh chóng ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của sàn thương mại điện tử này. Bên cạnh đó, sự ra mắt rầm rộ, nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mại cho người tiêu dùng của các sàn giao dịch khác.
Cụ thể, từ 15/3/2019, Lazada đã ngừng cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng kiểm tra hàng hoá trước khi thanh toán. Điều này đã dấy lên mối lo ngại vì về hàng lỗi, hàng hỏng do quá trình vận chuyển hay do nhà sản xuất gửi hàng lỗi mà người tiêu dùng không được kiểm tra.
Cạnh tranh bằng sự hài lòng của khách hàng
Trao đổi trong diễn đàn về thương mại điện tử mới đây, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi. Giai đoạn đầu của thương mại điện tử, người mua hàng mong muốn được giảm giá mạnh, khuyến mãi thật nhiều. Giai đoạn sau là trải nghiệm của khách hàng trong đó có bao gồm giao hàng nhanh, thanh toán, dịch vụ sau bán...
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ kinh nghiệm mua sắm trực tuyến của mình trong một lần đang ở sân bay mà điện thoại hết pin. Ông Dũng đã đặt hàng mua cục sạc dự phòng với yêu cầu cục sạc đã có điện và giao hàng đến trong vòng 30’.
Trong bối cảnh người tiêu dùng đã dần quen với việc mua sắm trực tuyến và nhiều nền tảng thương mại điện tử với sự hậu thuẫn hùng hậu của các công ty, tập đoàn quốc tế xuất hiện tại thị trường Việt Nam, nếu không mang tới trải nghiệm tốt cho khách hàng, ngay cả các “ông lớn”, xuất hiện từ lâu trên thị thương mại điện tử cũng có thể bị xóa sổ.
Cụ thể như nhiều cái tên từng nổi một thời như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn hay Lingo.vn đã lần lượt phải “đóng cửa” khi không thể chịu nổi sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử còn chịu sự cạnh tranh không nhỏ của Facebook với tính năng mua sắm trực tuyến có độ tương tác cao.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30% và quy mô toàn thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 8 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13-15 tỷ USD./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo