Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhà nước nên hỗ trợ chi phí cho các SME phát hành hóa đơn điện tử

DNVN - Việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai HĐĐT. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã đưa ra nhiều đề xuất để tiến trình triển khai loại hóa đơn này được hiệu quả và nhanh chóng.
Trong xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự gia tăng nhanh chóng của các giao dịch điện tử, việc khai HĐĐT theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ dành được sự quan tâm của toàn xã hội.
Việc sử dụng HĐĐT giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, theo đó giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn. Ngoài ra, áp dụng HĐĐT còn giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính, an toàn, bảo mật...
Tại Diễn đàn "Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, ông Nguyễn Khơ Din - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Tổng thư ký CLB chữ ký số và giao dịch điện tử Thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - đã đề cập đến những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng HĐĐT.
Đó là việc thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý doanh nghiệp (thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường). Hàng lang pháp lý chưa rõ khi Nghị định 110 đã ban hành từ lâu nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. Theo đó, quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hưỡng dẫn cho các loại hóa đơn đặc biệt…
Theo ông Nguyễn Khơ Din, chính vì chưa có thông tư hướng dẫn nên trong quá trình triển khai các doanh nghiệp vẫn vướng mắc trong việc có cần thiết phải có chữ ký của người bán có hiển thị trên háo đơn hay không? Đơn vị độc lập nào sẽ thẩm tra năng lực của đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ cung cấp hóa đơn, kiểm tra tính an toàn, an ninh và bảo mật của dịch vụ?
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết, theo Nghị định 119 của Chính phủ thì hơn 1 năm nữa là thời điểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cả nước buộc phải chuyển sang sử dụng HĐĐT. Theo đó, chậm nhất là ngày ngày 01 tháng 11 năm 2020 phải thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai HĐĐT tại nhiều nơi vẫn bộc lộ khá nhiều bất cập và gặp không ít khó khăn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, những khó khăn chính khi triển khai HĐĐT là tập quán và thói quen sử dụng hóa đơn giấy của doanh nghiệp, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin, chi phí cho đầu tư ban đầu, một số DN không muốn công khai minh bạch thông tin. Ngoài ra còn một số thủ tục quy định chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cụ thể cũng làm doanh nghiệp lo ngại vướng mắc trong quá trình sử dụng HĐĐT.
Qua đó, Phó Chủ tịch Hanoisme cho rằng, để việc triển khai HĐĐT bảo đảm hiệu quả đúng tiến độ và yêu cầu của Chính phủ thì các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan thuế phải chủ động, quyết liệt triển khai mọi biện pháp, giả quyết ngay những vướng mắc đang tồn tại. Cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ chính sách, đến kỹ thuật hạ tầng v.v… Cần chủ động sâu sát trong khâu tổ chức thực hiện như tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật thậm trí trang thiết bị.
Có thể xây dựng chính sách riêng cho khu vực SME và các hộ kinh doanh vì đây là khu vực chiếm tỉ lệ hơn 97% tổng số DN trong nền kinh tế quốc dân đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam. (Ảnh: Báo DĐDN)

Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam. (Ảnh: Báo DĐDN)

Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam - phát biểu, ở nhiều nước khi doanh nghiệp chuyển sang HĐĐT thường được sự hỗ trợ xây dựng của Chính phủ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhiều cách thức nhằm khuyến khích DN sử dụng HĐĐT.
"Chính phủ và Tổng cục Thuế cần khuyến khích các DN chuyển đổi phương thứ thanh toán sang HĐĐT như giảm thủ tục hành chính khi sử dụng HĐĐT, ưu tiên hoàn thuế GTGT cho nhưng DN tích cực áp dụng HĐĐT, hỗ trợ chi phí cho DN trong việc phát hành HĐĐT, nhất là các SME.
Chia sẻ với phóng viên bên lề diễn đàn, ông Lê Quang Anh - Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Khách hàng Công ty Phát triển Công nghệ Thái Sơn - cho biết, việc sử dụng HĐĐT vướng từ nhiều phía. Do vậy để giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc áp dụng HĐĐT trong thời gian sắp tới, thứ nhất Nhà nước nên có chính sách khuyến khích DN áp dụng HĐĐT.
"Thứ hai liên quan đến khung pháp lý, Nhà nước cần ban hành khung pháp lý để hỗ trợ và hướng dẫn DN triển khai HĐĐT. Ví dụ Thông tư hướng dẫn NĐ 119 của CP về HĐĐT", ông Lê Quang Anh đề xuất.
Liên quan tới việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng theo yêu cầu của DN, theo ông Lê Quang Anh, hiện trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp. Do đó, Nhà nước có thể ban hành khung pháp lý hoặc tiêu chuẩn về đánh giá nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ HĐĐT để DN căn cứ vào đó lựa chọn đơn vị phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị mình.
Đối với doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật các chính sách, quy định, thay đổi mới về HĐĐT từ cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để chấp hành đúng các quy định về việc sử dụng HĐĐT...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo