Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp FDI thiếu minh bạch về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu

Sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực này là vấn đề và làm hạn chế khả năng nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam.

Tổ chức Hướng tới minh bạch, cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp năm 2018.

Kết quả cho thấy, ở khía cạnh minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp, các công ty niêm yết thể hiện kết quả tốt nhất trong khía cạnh này với điểm trung bình 88%, tiếp theo là nhóm các doanh nghiệp nhà nước đạt 60%. Các doanh nghiệp FDI đứng sau cùng với điểm trung bình chỉ đạt 32%.

Big C đạt điểm 0 về minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp.

Big C đạt điểm 0 về minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phần lớn các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam không thành lập công ty con cấp hai, cả ở trong và ngoài nước. Trường hợp này đúng với 8 trong số 15 doanh nghiệp FDI được đánh giá trong cáo cáo.

Đối với 7 doanh nghiệp còn lại, kết quả tìm kiếm cho thấy các doanh nghiệp này có sở hữu công ty con cấp hai hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả thất vọng khi điểm trung bình của 7 doanh nghiệp này chỉ đạt 32%.

Các doanh nghiệp như Big C, Zuellig, Pharma Vietnam và Olam Vietnam có điểm số 0%.

"Sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực này là vấn đề và làm hạn chế khả năng nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam", báo cáo nêu.

Những kết quả trên cho thấy rõ sự cần thiết phải đưa ra các quy định pháp lý về công khai minh bạch cũng như các hạn chế của việc công bố thông tin tự nguyện. Việt Nam đã áp dụng các quy định về công khai thông tin đối với các doanh nghiệp, chẳng hạn như thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu, công ty con.

Những quy định này được vận hành tốt ở hai nhóm doanh nghiệp các công ty niêm yết và các doanh nghiệp nhà nước dẫn đến các thực hành tốt về minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp.

Trong khi đó, các công ty đa quốc gia lớn có xu hướng bỏ qua việc công khai thông tin về các công ty con ở nước ngoài do đây không phải là yêu cầu bắt buộc. Sự thiếu hụt thông tin này làm hạn chế khả năng giám sát của các bên liên quan tại các quốc gia nơi các công ty con này hoạt động.

Ở khía cạnh công khai thông tin về các chương trình phòng chống tham nhũng, các doanh nghiệp nhà nước đạt điểm thấp nhất về công khai thông tin chương trình phòng chống tham nhũng. Các doanh nghiệp FDI đạt điểm cao nhất.

Tuy không thể đánh giá được thực tế thực hiện thông qua việc công khai thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng, nhưng mức độ công khai được xem là chỉ số quan trọng về cam kết và nỗ lực của doanh nghiệp để đấu tranh với tham nhũng.

Còn ở khía cạnh cơ chế báo cáo theo quốc gia, khía cạnh này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam có các công ty con hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài. Đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong số 18 doanh nghiệp lớn nhất được khảo sát có hoạt động bên ngoài Việt Nam, không có doanh nghiệp nào công khai thông tin tài chính cơ bản tại các nơi doanh nghiệp hoạt động.

Kết quả này do quy định pháp luật của Việt Nam không yêu cầu rõ ràng việc công khai tài chính của các công ty con, bao gồm công ty hoạt động ở bên ngoài Việt Nam.

Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 là báo cáo được thực hiện trên 45 doanh nghiệp lớn nhất lựa chọn từ danh sách Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2017, gồm doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các công ty niêm yết và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Thông tin được thu thập từ các trang điện tử chính thức của doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2018 đến ngày 5/6/2018.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo