Nhiều thách thức với doanh nghiệp dược trong thời đại công nghiệp 4.0
Tiếp nối làn sóng đầu tư mạnh mẽ, doanh nghiệp Hàn rót 870 triệu USD vào Masan và Vingroup chỉ trong 1 tháng / Sếp lớn Hòa Phát bán 1,3 triệu cổ phiếu của công ty, thu về hơn 50 tỷ đồng
Trong khuôn khổ Triển lãm Y tế quốc tế Việt Nam lần 13 tại TP.HCM mới đây, Hội thảo chuyên đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp dược Việt Nam” đã được tổ chức với sự chia sẻ của các chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp ngành y – dược và các nhà cung cấp giải pháp quản trị.
Dây chuyền thiết bị sản xuất dược và chăm sóc sức khỏe tại Triển lãm Y tế quốc tế Việt Nam lần 13 tại TP.HCM. |
Các diễn giả đã đưa ra những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp dược trước tác động của các làn sóng công nghệ mới. Theo đó, tất cả các ngành công nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ dựa trên nền tảng công nghệ, tạo ra các xu hướng mới trong ngành, tác động mạnh đến các xu hướng cạnh tranh và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp.
PGS.TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khuyến cáo các doanh nghiệp cần ý thức chuẩn bị cho xu thế Pharma 4.0 (công nghiệp dược trong thời đại công nghiệp 4.0). Pharma 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi trọng tâm từ quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định sang quá trình sản xuất dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số được tự động điều chỉnh trên cơ sở các dữ liệu và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình.
Tình hình chung hiện nay của các nhà máy dược Việt Nam là đầu tư thiết bị riêng lẻ, lắp ghép từng phần thành dây chuyền gây khó khăn cho số hoá.
Ông Nguyễn Công Tẩn – Tổng giám đốc Công ty công nghệ Citek, đối tác triển khai SAP tại Việt Nam, nhận định ngành dược và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung đang hướng tới một mô hình tổ chức mà bệnh nhân đang trở nên chủ động hơn.
Bệnh nhân trở thành một cộng đồng quan trọng mà các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đơn vị phân phối và nhà sản xuất đang tìm cách cộng tác trên nền khoa học y tế kỹ thuật số để giảm chi phí đồng thời cải thiện chất lượng chăm sóc và an toàn của bệnh nhân.
Ông Tẩn phân tích nhiều thách thức đặc thù trong công tác quản trị của các công ty dược ngày càng phải đối mặt: Thách thức bên ngoài đến từ các đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất thuốc, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức y tế.
Thách thức bên trong bao gồm các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quản lý sản xuất, chất lượng toàn diện. Và thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành dược: GMP, GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5…
Ông Tẩn khuyến cáo, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh song hành cùng chiến lược công nghệ. Mỗi doanh nghiệp có năng lực khác nhau trong ứng dụng công nghệ, cần “phác đồ” phù hợp để lựa chọn đầu tư công nghệ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc để đạt chuẩn mực và đúng ngay từ đầu.
Theo số liệu của IMS Health, Việt Nam là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất (pharmerging markets). Tổ chức Y tế thế giới (WTO) phân loại mức độ phát triển công nghiệp dược của các quốc gia theo 4 cấp độ, Việt Nam nằm ở cấp độ 3 “Có công nghiệp dược nội địa; có sản xuất thuốc Generic; xuất khẩu một số dược phẩm".
End of content
Không có tin nào tiếp theo