Những chuỗi pizza đình đám nhất Việt Nam cũng chìm trong thua lỗ
Savills Việt Nam hân hạnh là đơn vị tư vấn tìm kiếm mặt bằng cho cửa hàng thứ 3 của H&M tại TP.HCM / Sau TP.HCM, Grab chính thức đưa dịch vụ giao nhận đồ ăn Grabfood ra Hà Nội
Nếu gà rán là loại hình đồ ăn nhanh ưa thích của giới trẻ thì pizza là sản phẩm được ưu chuộng của nhiều gia đình Việt. Trên thị trường đồ ăn nhanh, cả hai lĩnh vực kinh doanh này đều được đánh giá có sự phát triển như vũ bão trong những năm gần đây với sự góp mặt của nhiều thương hiệu tầm cỡ thế giới.
Pizza Hut, Alfresco và Perperonis, Domino’s Pizza hay Pizza Company - những tên tuổi lớn của lĩnh vực kinh doanh này đều đã hiện diện tại Việt Nam. Các chuỗi này đang liên tục chạy đua về số lượng cửa hàng để giành miếng bánh lớn hơn trên thị trường pizza, vốn được Euromonitor ước tính giá trị vài trăm triệu USD.
Tuy nhiên, trái ngược với cảnh đông đúc mỗi tối cuối tuần tại những nhà hàng pizza trên những con phố lớn, kết quả kinh doanh của những chuỗi này phần nhiều là thua lỗ hoặc nếu lãi cũng chỉ mang "tính tượng trưng". Với con số hàng trăm tỷ đồng sau nhiều năm hoạt động, hệ quả là những ông chủ của các chuỗi nhà hàng này liên tục phải bơm thêm vốn để duy trì hoạt động.
Một trong những thương hiệu góp mặt đầu tiên trên thị trường, Pizza Hut do IFB Holdings và Jardine Restaurant Group đưa vào Việt Nam đầu năm 2007. Sự xuất hiện của doanh nghiệp này cũng được xem là sự mở đầu đẩy cuộc đua trên lĩnh vực kinh doanh này trở thành một cuộc chiến thực sự.
Tuy nhiên, cũng như những cái tên đình đám trên thị trường đồ ăn nhanh như KFC hay Lotteria, Pizza Hut cũng chìm trong thua lỗ. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 của Pizza Hut đạt hơn 334 tỷ đồng.
Năm 2017, mặc dù chuỗi nhà hàng này có lãi gần 16 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động khác trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn là con số âm. Trước đó, năm 2015 và 2016, Pizza Hut báo lỗ lần lượt 79 tỷ và 28 tỷ đồng.
So với những đối thủ trên thị trường, một đặc điểm của riêng Pizza Hut là biên lợi nhuận gộp thấp một cách "kỳ lạ", tương tự như KFC trong phân khúc gà rán.
Con số này chỉ đạt 9,4% năm 2015, gần 16% năm 2016 và 17% năm 2017, thậm chí còn thấp hơn cả những chuỗi nhà hàng có quy mô nhỏ. Kết quả là dù doanh thu của Pizza Hut gần 580 tỷ đồng, áp đảo so với các đối thủ cùng phân khúc, nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt chưa tới một nửa.
Với con số lỗ lũy kế hàng trăm tỷ sau nhiều năm hoạt động, thực tế đến cuối năm 2016 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là âm hơn 286 tỷ đồng. Để đưa con số này "trở lại mặt đất", riêng trong năm 2017, chủ sở hữu của Pizza Hut đã bơm thêm hơn 400 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Từ mức 64 tỷ cuối năm 2016, chỉ sau một năm, vốn điều lệ của chuỗi nhà hàng pizza này đã tăng lên gần 500 tỷ đồng.
Tất nhiên, Pizza Hut không phải trường hợp duy nhất trên thị trường xảy ra tình trạng này.
The Pizza Company – chuỗi nhà hàng pizza đứng thứ 2 thị trường khi xét về số lượng cửa hàng cũng chịu cảnh tương tự.
Thương hiệu này và Swensen’s Ice Cream ban đầu thuộc về Gami Group (ông chủ của chuỗi phân phối Mercedes - An Du Autohaus), tuy nhiên một năm sau đó The Pizza Company và Swensen’s Ice Cream được chuyển nhượng cho VI Group. Hiện tại, VI Fund II – một quỹ thuộc quản lý của VI Group đang nắm giữ gần 64% vốn của CTCP Pizza Ngon – đơn vị quản lý chuỗi The Pizza Company.
Đạt doanh thu gần 41 tỷ và 142 tỷ đồng trong hai năm 2015 và 2016 nhưng công ty này thậm chí báo lỗ cao hơn cả Pizza Hut. Lần lượt 2015 và 2016, The Pizza Company chịu lỗ 25 tỷ và 62 tỷ đồng. Tốc độ lỗ tỷ lệ thuận với tốc độ tăng của doanh thu.
Đến năm 2017, doanh thu của chuỗi The Pizza Company tăng gấp đôi lên gần 300 tỷ đồng thì khoản lỗ cũng tăng tương đương lên gần 114 tỷ đồng. Theo đó, lỗ lũy kế của chuỗi này đến cuối năm 2017 đạt hơn 263 tỷ.
Tương tự như đối thủ là Pizza Hut, những ông chủ của The Pizza Company cũng tích cực bơm vốn để chuỗi này có nguồn lực để tranh giành miếng bánh thị phần.
Từ mức vốn điều lệ hơn 114 tỷ đồng cuối năm 2016, chỉ trong một năm, vốn điều lệ của chuỗi The Pizza Company đã tăng gần 4 lần lên hơn 413 tỷ đồng. Nhờ điều này, tổng tài sản của công ty đến cuối năm 2017 đã tăng gần 150 tỷ so với đầu năm, vốn chủ sở hữu cũng trở lại con số dương.
Tuy nhiên, khác với chuỗi dẫn đầu thị trường, biên lợi nhuận của The Pizza Company ở mức khá cao, tương đương với một số chuỗi nhà hàng khác trên thị trường. Năm 2017, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đạt gần 40%, hai năm trước đó cũng đều đạt trên 30%. Con số này gấp khoảng 3 lần so với tỷ lệ biên lợi nhuận gộp của Pizza Hut.
Một trường hợp khác trên thị trường này là VFBS – đơn vị quản lý các thương hiệu đồ ăn nhanh của Tập đoàn IPP thuộc sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn.
Công ty quản lý các chuỗi nhà hàng Burger King, Domino's Pizza, Popeyes và Dunkin' Donuts đạt doanh thu lần lượt 204 tỷ năm 2015 và 303 tỷ năm 2016. Tuy nhiên, công ty này cũng báo lỗ hơn 34 tỷ đồng và gần 25 tỷ lần lượt trong hai năm này.
Trái ngược với Pizza Hut, nguyên nhân chính dẫn tới thua lỗ của VFBS là do khoản chi phí bán hàng quá lớn. Trong hai năm 2015 và 2016, tỷ lệ chi phí bán hàng trên lợi nhuận gộp của công ty này là 129% và 119%. Hay nói cách khác, mỗi đồng lợi nhuận gộp phải gánh từ 1,2 – 1,3 đồng chi phí bán hàng.
Đến cuối năm 2016, VFBS lỗ lũy kế tổng cộng gần 150 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với số vốn điều lệ.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của những chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh đình đám có thế thấy, nếu không phải do yếu tố chủ quan nào gây ra thì ngành kinh doanh này không thực sự "màu hồng" như mọi người thường thấy. Tuy nhiên, có một thực tế là dù càng ngày càng lỗ nhiều hơn, nhưng việc tranh giành miếng bánh thị phần vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo