Những lưu ý khi xuất khẩu cà phê sang Châu Phi
DNVN - Thẩm tra kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng, thanh toán L/C không hủy ngang, hay đưa ra mức giá hợp lý... là điều mà các diễn giả khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam tại phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường Châu Phi ngày 21/7.
Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng gặp khó trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai / Đà Nẵng: Công ty Long Hậu tiếp tục khởi công xây dựng 2 khu nhà xưởng công nghệ cao
1 trong 5 thị trường cung ứng chính
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết: Châu Phi là thị trường có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê. Hàng năm, Châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu (NK) cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính. Ngoài xuất khẩu (XK) thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.
Phân tích cụ thể về thị trường Nigeria, ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán thương mại tại Algeria thông tin, Algeria nhập khẩu (NK) 100% cà phê để phục vụ nhu cầu trong nước. Mỗi năm nước này NK khoảng 120.000 tấn cà phê hạt, trị giá 300 triệu USD/năm. Việt Nam là một trong những quốc gia chính cung cấp cà phê cho quốc gia này.
Cà phê là mặt hàng XK số 1 của Việt Nam sang Algeria, chiếm trung bình 50% thị phần tại Algeria.
Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang Châu Phi được Cục Xúc tiền thương mại phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại Châu Phi tổ chức trực tiếp tại "thủ phủ" cà phê Đắk Lắk.
Theo Hải quan Việt Nam, năm 2021 XK cà phê của Việt Nam sang Algeria trên 56 ngàn tấn, giảm 6,8% về lượng nhưng kim ngạch đạt gần 100 triệu USD, tăng 6,3%, chiếm tới 65% tổng giá trị XK của Việt Nam. Algeria là 1 trong 10 thị trường XK cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Algeria chủ yếu NK cà phê nhân xô vì Chính phủ nước này khuyến khích NK nguyên liệu. DN NK Algeria muốn rang xay, chế biến phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.
"Dù cà phê Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường này từ nhiều năm nhưng Algeria chủ trương chỉ cho NK hàng nguyên liệu nên các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam chưa xuất hiện tại thị trường này. Cùng với những khó khăn do khoảng cách xa xôi, giá cước cao, thuế NK cao (tổng cộng 63%), một số DN hai bên còn xuất nhập khẩu qua trung gian Châu Âu vì ngại rủi ro", ông Nhuận nêu.
Với thị trường Nigeria, ông Trần Hùng Cường - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria chia sẻ: Là quốc gia trồng cà phê Robusta và Arabica nhưng do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, giống và kỹ thuật nên sản lượng và năng suất ở mức thấp. Do sản lượng và năng suất thấp nên ngành sản xuất cà phê tại Nigeria chưa thực sự phát triển. Hầu hết sản phẩm cà phê tiêu dùng tại Nigeria đều được nhập khẩu.
Cà phê NK vào Nigeria chịu mức thuế nhập khẩu là 10% và 20% tùy chủng loại, cộng với mức thuế VAT là 7,5%. Người dân nước này có thói quen dùng cà phê hòa tan.
Nigeria là thị trường rất tiềm năng đối với các DN Việt Nam ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có mặt hàng cà phê. Tuy nhiên, XK cà phê Việt Nam sang Nigeria hiện vẫn ở mức khiêm tốn. Trong giai đoạn 2019 - 2021, giá trị XK cà phê của Việt Nam sang Nigeria ước đạt 70 ngàn USD.
Cách nào để giảm rủi ro?
Theo đánh giá của các diễn giả, để XK cà phê sang Châu Phi, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với nhiều khó khăn như vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa, nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết quốc gia Châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ.
Với thị trường Algeria, DN cần kiên nhẫn trong thiết lập và duy trì quan hệ vì đối tác Algeria thường chậm trả lời, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, trong tháng Ramadan hoặc vào ngày thứ 6.
Khách hàng Algeria chú trọng tiếp xúc trực tiếp, xem tận mắt sản phẩm nên việc DN XK gửi hàng mẫu hay tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, nhất là đồ uống tại Algeria trong giai đoạn đầu thường đem lại hiệu quả cao hơn.
DN cần giữ chữ tín bởi đã xảy ra trường hợp DN Việt Nam nhận tiền đặt cọc song không giao hàng, gây ra khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các DN Việt Nam khác. Có phản hồi khi đối tác hỏi, duy trì sự cung ứng hàng liên tục, ổn định về chất lượng.
Phương thức thanh toán nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín Châu Âu hoặc Châu Mỹ, hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng, trong đó đề nghị khách đặt cọc ít nhất là 25% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm. Có thể yêu cầu khách đặt cọc ngoài Algeria qua chi nhánh công ty hoặc người thân của khách hàng. Một biện pháp nữa là áp dụng giao hàng gối đầu với việc khách ứng tiền trước.
Về chào giá sản phẩm, nên đưa ra mức giá hợp lý do tổng các loại thuế NK cà phê vào Algeria khá cao (63%) trong khi khách hàng Algeria thường xuyên tham khảo giá của các nhà xuất khẩu và trader quốc tế từ nhiều nước.
Khi hợp tác, giao dịch với đối tác Nigeria, DN cần thẩm tra, xác minh DN kỹ trước khi hợp tác và ký kết hợp đồng. Thực tế hiện tượng lừa đảo trực tuyến tại thị trường Nigeria tương đối nhiều.
Để tránh rủi ro, các DN khi thực hiện các điều khoản hợp đồng cần phải chú trọng về các điều khoản thanh toán và giải quyết tranh chấp. Khi ký hợp đồng xuất nhập khẩu, DN trong nước nên áp dụng hình thức hợp đồng thanh toán L/C không hủy ngang hoặc cam kết cung cấp ngoại tệ của ngân hàng.
Nếu thanh toán theo các hình thức khác như đặt cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt khoảng 25 - 30% giá trị đơn hàng trở lên, nhất là với các đơn hàng mới, lần đầu.
Trong khi đó, với đối tác Ai Cập, DN cần lưu ý tình trạng chậm thanh toán tại một số ngân hàng Ai Cập. Lựa chọn ngân hàng đối tác có khả năng thanh toán tốt hơn như Ngân hàng Quốc gia Ai Cập. Sử dụng phương thức thanh toán L/C không hủy ngang hoặc cam kết cung cấp ngoại tệ của ngân hàng. Điều khoản ràng buộc rõ ràng với đối tác trong trường hợp hàng đến cảng chưa thể thông quan, phải nằm lại tại kho bãi lâu ngày do chậm thanh toán từ phía đối tác. Hạn chế tối đa ký hợp đồng thông qua môi giới đặc biệt các hợp đồng cần có điều khoản thanh toán trước ít nhất 30% giá trị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo