Quá nhiều kênh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, vì sao chưa hiệu quả?
DNVN - Một trong những nội dung được thảo luận sâu tại Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp diễn ra vào sáng 10/5 tại Hà Nội là làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận được nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Kinh doanh thời nay: Làm sao để các SME không "chết yểu"? / “Vua cá” Dương Ngọc Minh bán đứt công ty con sau cú sốc từ Mỹ
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang cần sự hỗ trợ mạnh mẽ. Giai đoạn 2008 - 2009, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu 16.000 tỷ đồng với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ các SME nhưng đối tượng tiếp cận được nguồn vốn này chủ yếu là doanh nghiệp lớn do hồ sơ của doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ tiêu chuẩn.
Quỹ Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập mới đây với vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng. Thời gian qua, có khoảng 1.000 DN đã tiếp xúc với quỹ này nhưng cho vay mới khoảng 100 tỷ đồng. Do đó, khả năng trong thời gian tới sẽ có rất nhiều DN được vay vốn từ quỹ này.
Tại hội thảo, một số đại diện DNNVV đặt câu hỏi về điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển DNNVV, ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng phòng - Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, các DNNVV phải đáp ứng các điều kiện như: Có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc danh mục các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ; Có dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20%; Chủ doanh nghiệp có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay.
Về mức vốn cho vay, quỹ này cho các SME vay tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án, nhưng không quá 30 tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung và dài hạn: 7%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn: 5,5%/năm. Thời hạn cho vay: Tối đa không quá 07 năm. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho vay nhưng không quá 10 năm.
Đối tượng cho vay của quỹ này là các DNVVN theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định sắp ban hành thì tập trung vào 03 đối tượng, đó là: Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành; Doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Phương thức cho vay là thông qua các NHTM Nhà nước (04 Ngân hàng gồm: VCB, BIDV, HD Bank và VP Bank).
Các DNNVV vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Trong việc tiếp cận vốn thông qua các định chế Nhà nước, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hưng cho rằng các SME Việt Nam có thể tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển khoa học Công nghệ; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ Đầu tư phát triển địa phương; Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã; Quỹ Bảo vệ môi trường; Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong thực tế, việc tiếp cận vốn của các SME gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách chưa phát triển đồng bộ, vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Một số cơ chế chính sách còn chậm thay đổi so với tình hình thực tế. Trong khi đó, năng lực tài chính của các định chế tài chính còn hạn chế, quy mô còn nhỏ.
"Bản thân các DN hạn chế về vốn, quy mô vốn nhỏ, năng lực quản trị, quản lý tài chính, khả năng quản trị rủi ro, điều hành chưa chuyên nghiệp. Khả năng ứng dựng công nghệ thông tin hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo, nguồn nhân lực hạn chế cũng là rào cản trong việc tiếp cận vốn vay", ông Hưng nêu.
Ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng HDBank đã giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín chấp của các ngân hàng với thủ tục đơn giản, nhanh gọn dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các SME.
"Điều quan trọng, doanh nghiệp hãy coi những người làm ngân hàng như những người bạn, theo đó thoải mái chia sẻ khó khăn, thuận lợi, thách thức hay cơ hội. Khi là bạn rồi, DN có thể xem ngân hàng là người tư vấn liên quan đến các hoạt động DN của mình", ông Phương gợi mở.
Ngoài ra, các DN hãy xem ngân hàng là nhà đồng hành với mình, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh công khai, minh bạch tài chính của DNNVV còn hạn chế hơn so với doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính việc để ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp trong kế hoạch kinh doanh, thậm chí ngân hàng có thể cùng doanh nghiệp thương thảo với đối tác, qua đó ngân hàng sẽ hiểu hơn về hoàn cảnh, viễn cảnh của doanh nghiệp.
"Đó là ba yếu tố tốt hơn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu làm được điều này, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ thực sự tốt hơn", Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng HDBank nhấn mạnh.
Ghi nhận những chia sẻ hữu ích của ông Phương, ông Nguyễn Việt Hưng khẳng định, để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách về hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các định chế tài chính nhà nước. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa về thủ tục cho vay và điều kiện vay, tài sản đảm bảo.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo