Sendo tuyên bố cạnh tranh với Tiki, Adayroi, Shopee
Nền tảng thương mại điện tử Sendo của Việt Nam đang nhắm tới cơ hội giành được khách hàng ở những thị trấn nhỏ lẻ, đi ngược với xu hướng cạnh tranh cùng các đối thủ ở các thành phố lớn.
"Chúng tôi muốn tạo ra khác biệt cho chính mình bằng việc chỉ tập trung vào thị trường nội địa", chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng trả lời phỏng vấn tờ Nikkei. "Chúng tôi sẽ khảo sát những thành phố loại hai chưa được khai phá – nơi 70 triệu người Việt Nam đang sinh sống".
Trên thực tế, các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử gồm có Lazada, Shopee, Lotte, Adayroi và Tiki đều đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Sendo sẽ tập trung vào những vùng nông thôn của Việt Nam.
Đầu tháng này, công ty đã nhận được khoản đầu tư trị giá 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư bao gồm cả tập đoàn dịch vụ tài chính SBI Holdings, Daiwa PI Partners, Softbank Ventures và Beenos. Ngoài ra còn có một vài công ty đầu tư đến từ Hong Kong và một số nơi khác ở châu Á.
"Chúng tôi cam kết cung cấp nền tảng thương mại điện tử thân thiện, dễ sử dụng cho người dân địa phương bởi chúng tôi hiểu thói quen của người tiêu dùng tốt hơn những đối thủ nước ngoài".
Sendo khẳng định giá sản phẩm trên nền tảng này trung bình ở mức 15 USD/sản phẩm (tương đương khoảng 350.000 VNĐ). Những sản phẩm bán chạy nhất là thời trang sẽ có giá ít hơn 50 USD mỗi chiếc. Nền tảng này hiện cung cấp hơn 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán.
"Ngành công nghiệp thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ nhưng room phát triển rất lớn. Chúng tôi hướng đến 60% những người mua đến từ bên ngoài 2 thành phố lớn".
Doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam đạt tổng cộng 1,08 tỷ USD vào năm 2017, chỉ chiếm ít hơn 1% tổng thị trường bán lẻ cả nước trị giá 130 tỷ USD. Tuy nhiên, quốc gia này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 30% mỗi năm trong vài năm qua.
Vài tháng trước khi thành lập, Sendo đã thâu tóm trang 123mua.vn với số tiền không được tiết lộ từ VNG. Tuy nhiên một nguồn tin cho biết trị giá của thương vụ có thể khoảng 5 tỷ VNĐ (tương đương 216.000 USD theo tỷ giá hiện tại). Chính thương vụ đó đã giúp Sendo trực tiếp tiếp cận được với 30 triệu khách hàng trong hệ thống của VNG – tạo sự hiện diện của họ ở bước đầu.
Trước đó vào năm 2014, Sendo nhận gần 2 tỷ yên (tương đương 18 triệu USD) từ vòng huy động vốn của nhiều công ty Nhật Bản bao gồm cả SBI.
"Chúng tôi đang muốn có thêm từ 1 đến 2 vòng huy động vốn mới trong 5 năm tới. Việc IPO trước năm 2025 không nằm trong kế hoạch bởi công ty hiện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và mở rộng", chủ tịch Sendo khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo