Hỗ trợ doanh nghiệp

Tấn công mảng bán lẻ, doanh nghiệp xăng dầu quá liều?

Nhờ lợi thế hệ sinh thái trải dài từ khắp các tỉnh thành, một số 'ông lớn' đầu mối kinh doanh xăng dầu tuyên bố mở chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các điểm bán xăng dầu. 'Chào sân' ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp này có phải đang quá liều lĩnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 đã là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 lên tới 179 tỷ USD.

Thêm nhiều “ông lớn”

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng, hàng loạt mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu tiện lợi xuất hiện, tỷ lệ lên tới 15%/năm, cao hơn chợ truyền thống 3%/năm.

Còn Báo cáo của mới nhất của Deloitte tỏ ra rất lạc quan với quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam năm 2018 đạt 142 tỷ USD và sẽ tăng lên mức 180 tỷ USD vào năm 2020.

“Trong khi cửa hàng tiện lợi thường chiếm khoảng 20% thị trường ở các nền kinh tế khác, thì con số này ở Việt Nam mới chỉ ở mức dưới 10%. Tỷ lệ cửa hàng tiện lợi so với dân số ở Việt Nam hiện là 54.400 cư dân/cửa hàng, trong khi ở Hàn Quốc là 2.100 cư dân/cửa hàng và ở Trung Quốc là 24.900 cư dân/ cửa hàng”, báo cáo của Deloitte cho hay.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện được xếp là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á với mảng cửa hàng tiện lợi và tốc độ phát triển này sẽ duy trì tới năm 2021.

Với những chỉ số ấn tượng và những phân tích ở trên, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước như Vingroup, Saigon Co.op… và nước ngoài như Circle K, B’s Mart, Mini Stop, 7-Eleven…

Dự báo, trong thời gian tới, sân chơi này sẽ có mặt thêm một số “tân binh” đến từ lĩnh vực xăng dầu như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). “Sinh sau đẻ muộn”, các “ông lớn” ngành xăng dầu này lấy gì để cạnh tranh?

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2019, lãnh đạo Petrolimex tự tin khẳng định với 5.200 cửa hàng bán lẻ trên cả nước, chưa kể hệ thống đại lý, phủ khắp 63 tỉnh thành, DN này đã sẵn sàng lấn sân sang kinh doanh bán lẻ, lập các chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Để đầu tư vào mảng bán lẻ, DN cần vốn đầu tư đến hàng nghìn tỷ đồng, song Petrolimex cũng khá tự tin với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil.

Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ dự báo sẽ còn khốc liệt hơn nữa

Không dễ “ăn”

Không chỉ Petrolimex, PV Oil cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch “lấn sân” sang thị trường bán lẻ từ khoảng 2 năm trước. Ban lãnh đạo PV Oil đã nghiên cứu triển khai mở thêm các chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi tích hợp tại hệ thống hơn 600 cây xăng mà Tổng công ty đang sở hữu.

Dù tự tin “lấn sân” sang mảng bán lẻ, song các “ông lớn” xăng dầu cũng thừa nhận mảng kinh doanh này mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư nhưng cũng không dễ “ăn”.

“Không thể triển khai cửa hàng tiện lợi ở bất cứ cây xăng nào, mà cần phân loại, đánh giá cửa hàng nào có thể làm được. Petrolimex sẽ triển khai hệ thống cửa hàng tiện lợi hiệu quả nhất, bởi nếu không tính toán kỹ, thì sẽ lỗ”, đại diện Petrolimex cho hay.

Còn đại diện PV Oil cho biết thống kê từ thế giới cho thấy lợi nhuận đến từ các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu chiếm tới 50% lợi nhuận của cây xăng. Đó là chưa kể dòng tiền thu được từ đây khá tốt, nên việc các DN có hệ thống cửa hàng bán xăng dầu lớn như Petrolimex hay PV Oil quan tâm tới việc mở cửa hàng tiện lợi ở cây xăng cũng là điều dễ hiểu.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil, chia sẻ: “Chi phí hậu cần cho cửa hàng tiện lợi rất lớn. Nếu độ phủ sóng các cửa hàng của DN trong khu vực dày hơn thì nhiều khoản chi phí sẽ được giảm bớt. Hướng đi của PV Oil là hợp tác với một đối tác có kinh nghiệm để phát triển cửa hàng tiện dụng ở cây xăng của mình, thay vì tự phát triển thương hiệu riêng”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với những “tân binh”, việc cạnh tranh với các DN có thâm niên trên thị trường sẽ vô cùng khó khăn.

Sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới đang chỉ bắt đầu, dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sẽ còn nhiều DN khác đang chuẩn bị lấn sân sang mảng này.

Nhận định về cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ gần đây, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới đang chỉ bắt đầu. Việc các DN lớn như Vingroup và Saigon Co-op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh về nhiều tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ, hay sự “lấn sân” của các DN đầu mối xăng dầu là minh chứng cho điều này.

“Sự cạnh tranh dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các DN ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các DN Việt”, bà Hằng nhận định.

Theo Thanh Hoa/Thời báo kinh doanh

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo