Thanh Hóa: Vụ nhấn chìm tài sản doanh nghiệp, lộ trách nhiệm của UBND tỉnh
Chuyện lạ: Hyundai vừa bán được âm 1 (-1) chiếc ô tô tại Mỹ / Toyota và PSA dừng hợp tác sản xuất xe cỡ nhỏ
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong các bài “Thanh Hóa: Thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước, nhấn chìm tài sản doanh nghiệp khác” (ngày 28/11) và “UBND tỉnh Thanh Hóa cũng bất ngờ trước việc Thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước?” (ngày 29/11), từ ngày 23/11/2018, Công ty đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Cty Intracom) - Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 đã cho đóng đập tích nước vào lòng hồ thủy điện.
Toàn bộ tài sản tại Dự án mỏ cát 121 của Công ty Thái Dương 68 bị nhấn chìm trong lòng hồ thủy điện Cẩm Thủy 1.
Để thực hiện việc tích nước lòng hồ thủy điện, ngày 17/11/2018 Công ty Intracom đã có văn bản (số 560/CV-CT4) gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương và UBND huyện Cẩm Thủy “thông báo kế hoạch tích nước hồ chứa thủy điện Cẩm Thủy 1”.
Trong văn bản 560, chủ đầu tư Thủy điện Cẩm Thủy 1 khẳng định: “Căn cứ công văn số 11878/UBND-CN ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tích nước thủy điện Cẩm Thủy 1.... Intracom xin thông báo đến các quý Ủy ban, quý Sở và UBND 4 xã Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Bình và Cẩm Lương được biết để phối hợp thực hiện”.
Lần theo CV số 11878/UBND-CN ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa, PV Doanh Nghiệp VN không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện việc ông Lê Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cho “nhấn chìm” tài sản của Công ty Thái Dương 68.
Nội dung chỉ đạo của ông Lê Anh Tuấn như sau: “Thống nhất đề nghị của Sở Công Thương, đồng ý chủ trương cho Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông tích nước hồ chứa thủy điện Cẩm Thủy 1 để vận hành nhà máy. Yêu cầu công ty thực hiện tích nước theo đúng quy trình, duy trì dòng chảy tối thiểu phía hạ du theo quy định,... đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND huyện Cẩm Thủy giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ thủy điện Cẩm Thủy 1”.
Công văn "bật đèn xanh" của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đây là bằng chứng cho thấy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã biết rất rõ việc lòng hồ thủy điện chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nhưng vẫn “bật đèn xanh” cho Công ty Intracom đóng cửa đập tích nước.
Trước đó vào tháng 5/2018, ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã kết luận Thủy điện Cẩm Thủy 1 chưa đủ điều kiện tích nước do chủ đầu tư Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 chưa xây dựng phương án phòng chống lụt bão;
Phương án vận hành hồ chứa chưa được Bộ Công Thương duyệt. Phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du cũng chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, ngoài ra, chủ đầu tư còn chưa thực hiện xong việc nghiệm thu, kiểm định chất lượng công trình…
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng lòng hồ còn nhiều vướng mắc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn đã yêu cầu UBND huyện Cẩm Thủy rà soát các điểm vướng mắc sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tại mỏ cát của Công ty Thái Dương 68 trong lòng hồ.
Theo tìm hiểu của PV Doanh Nghiệp VN, ngày 18/7/2014 UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty Thái Dương 68 (tên trước đây là Cty TNHH MTV Thái Dương) thực hiện Dự án khai thác mỏ cát số 121 (tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy). Dự án được phép sử dụng hơn 74 nghìn mét vuông đất, thời gian hoạt động là 10 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư).
Theo khẳng định đại diện của Công ty Thái Dương 68: “Hội đồng bồi thường hỗ trợ GPMB huyện Cẩm Thủy đã có 2 buổi làm việc vớicông ty vào các ngày 23/8 và 21/9/2018 nhưng không nhất trí với phương án đền bù. Công ty Thái Dương 68 đã 2 lần có đơn đề nghị được đền bù thích đáng, đúng pháp luật gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Cẩm Thủy… nhưng đến nay Công ty Thái Dương 68 vẫn không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các cơ quan liên quan”.
Thế nhưng khi báo chí đưa tin về việc Thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước nhấn chìm toàn bộ tài sản của Công ty TNHH Thái Dương 68,UBND tỉnh Thanh Hóa lại làm như vô can ra CV khẩn (ngày 27/11/2018, số 1490/UBND) giao Sở Công Thương chủ trì việc kiểm tra, làm rõ thông tin về việc tích nước hồ chứa thủy điện Cẩm Thủy 1. Theo CV 1490 thì việc kiểm tra, xác minh phải có kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/11/2018.
Sáng 5/12/2018, trao đổi với PV Doanh nghiệp VN, ông Lê Trọng Hân – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa xác nhận sở này đã có báo cáo việc tích nước hồ chứa Thủy điện Cẩm Thủy 1. Về nội dung của báo cáo, ông Hân từ chối tiết lộ với lý do phải có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo.
Trước đó, vào sáng 29/11/2018 ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định với PV: “Việc tích nước lòng hồ thủy điện phải thực hiện theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy UBND tỉnh Thanh Hóa đã không thực hiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm chính trong việc “bật đèn xanh” cho Công ty Intracom tích nước lòng hồ nhấn chìm tài sản của Cty Thái Dương 68.
Ông Phương Văn Kể - đại diện của Công ty Thái Dương 68 khẳng định với PV: “Thủy điện Cẩm Thủy 1 với 2 tổ máy, có công suất thiết kế 28,8 MW là thủy điện nhỏ, chỉ đơn thuần sản xuất điện vì mục đích thương mại phục vụ một nhóm lợi ích là các cổ đông cả Công ty Intracom.
Hai dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1 và Mỏ cát 121 đều được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh không thể lấy ngân sách nhà nước ra đền bù phục vụ cho một dự án thương mại như Thủy điện Cẩm Thủy 1. Phía Côngty Thái Dương 68 yêu cầu Công ty Intracomphải thực hiện đền bù theo nguyên tắc thỏa thuận”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo