Hỗ trợ doanh nghiệp

Tháo gỡ, hỗ trợ, nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt COVID-19 song đây cũng là sự nhắc nhở về nguy cơ nền kinh tế có thể phải chịu ảnh hưởng và bị “tổn thương” lớn từ những “cú sốc” bên ngoài.

VINASME kết hợp với Liên Hợp quốc đào tạo “Quản trị rủi ro" mang lợi ích liên tục cho DN / Từ 5/12: Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Năm 2020 thực sự là một năm “đen tối” với thế giới khi phải đối mặt với tác động vô cùng lớn từ đại dịch COVID-19 với 235 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có ca bệnh. Dịch bệnh đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính, đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm, khiến ngay cả các cường quốc mạnh nhất thế giới cũng phải lao đao.

“Làn sóng” phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã dự báo năm 2020 nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm 5,2% - ghi nhận một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Đối với Việt Nam, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch trên thế giới, Chính phủ đã hành động nhanh chóng và quyết liệt để khống chế đại dịch. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mặc dù tới tháng 11/2020 chỉ có 15,4 nghìn doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019) nhưng con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh lên tới 44,4 nghìn doanh nghiệp (tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019). Như vậy, trung bình mỗi tháng có hơn 5.400 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc giải thể.

Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là “tia sáng” hiếm hoi trên “bầu trời u ám” của thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2020 dù chỉ đạt 2,12% và cả năm ước thực hiện đạt khoảng 2% đến 3%, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra là 6,8% và so với mức tăng trưởng của năm 2019 (là 7,02%) song vẫn là kết quả tương đối khả quan so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mức 2,4% và là 1 trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người.

Cùng với đó, dù hoạt động thương mại có xu hướng tăng chậm lại nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính vẫn đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu đình trệ thì kết quả này đã phản ánh được thành quả trong thực hiện định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để giảm thiểu được rủi ro kinh tế do những biến động kinh tế bên ngoài.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt COVID-19, song đây cũng là sự nhắc nhở về nguy cơ nền kinh tế có thể phải chịu ảnh hưởng và bị “tổn thương” lớn từ những “cú sốc” bên ngoài khác vẫn hiện hữu do nền kinh tế có độ mở lớn, cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI. Do đó, nâng dần khả năng độc lập tự chủ, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng.

Theo đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường phát triển thông thoáng cho doanh nghiệp như: Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán, trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng nhằm giải phóng, phát triển sức sản xuất của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh COVID-19. Tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác tài chính và đẩy mạnh việc đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao khả năng chống chịu về tài chính nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thể chế kinh tế, trong đó có hệ thống văn bản pháp luật về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực tài chính phù hợp với các cam kết cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính.

Triển khai đồng bộ và theo dõi việc thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành; tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong các FTA đến thu ngân sách Nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và tác động đến một số ngành hàng quan trọng để kịp thời điều chỉnh các chính sách liên quan và đề xuất các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của quá trình hội nhập tới kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh trong nước.

Cùng với đó, một bài học quan trong nữa là cần tăng cường và nâng cao năng lực dự báo trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, nâng cao năng lực dự báo diễn biến giá cả thị trường và theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường để có kịch bản điều hành chính sách tài khóa phù hợp từng thời kỳ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối ngân sách.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm