Tháo nút thắt vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Dẫn lại đánh giá của hãng tư vấn McKinsey từ cách đây 3 năm, đại diện Validus Capital – một nền tảng cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Singapore, cho biết tại Việt Nam, dù chiếm trên 97% tổng số DN nhưng các DN tư nhân lại chỉ được nhận dưới 22% tổng số vốn do ngân hàng cấp cho toàn bộ nền kinh tế và nhu cầu vốn đang thiếu hụt có thể tới 21 tỷ USD.
Sử dụng công nghệ
Trong khi đó, số liệu thống kê được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cập nhật đến hết tháng 5/2019 cho thấy tín dụng đối với các DNNVV đã tăng 5,04%.
Dư nợ tín dụng DNNVV cũng đã đạt được tốc độ tăng 11,53% trong năm 2017 và 15,57% trong năm 2018. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với các DNNVV chiếm từ 17- 18% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế.
Trong buổi họp báo tại Tp.HCM ngày 6/11 về việc cấp vốn cho các DNNVV Việt Nam, đại diện Validus Capital cho biết muốn có nhiều hoạt động hỗ trợ tài chính cho các DNNVV Việt Nam như những gì đã làm khi giúp các DNNVV tại Singapore tăng trưởng doanh thu hàng năm trung bình 17%, đóng góp thêm 300 triệu USDvào tăng trưởng GDP của nước này và đã tạo hơn 10.000 việc làm (theo thống kê năm 2018).
Để gỡ nút thắt về vốn cho các DN Việt, bà Trần Thị Thúy Hà, Giám đốc khối phụ trách kinh doanh và đối tác của Validus Việt Nam, cho biết sẽ áp dụng những thế mạnh về công nghệ cũng như tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong quản trị và quản lý rủi ro.
Còn theo ông Hoàng Đức Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để thu xếp hiệu quả các nguồn tài trợ vốn kinh doanh dễ tiếp cận, chi phí hợp lý cho các DN Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng với các thuật toán tín dụng mạnh mẽ cùng các quy trình phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, những nền tảng hỗ trợ tài chính sẽ đáp ứng những nhu cầu riêng biệt của các DN Việt Nam, từ các DN trong các ngành sản xuất cho đến các ngành bất động sản, xây dựng, y tế, dịch vụ tiêu dùng, thương mại bán lẻ và bán buôn.
Đó là xét về mặt công nghệ, còn riêng về nguồn vốn vay thương mại nước ngoài của DN Việt Nam chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng nguồn vốn vay của DN (khoảng 5%). Đặc biệt, dòng vốn này thường tập trung chủ yếu vào các DN lớn hoặc DN nhà nước thường phải có bảo lãnh của Chính phủ.
Lý do vay thương mại nước ngoài còn ít là vì lãi suất vay của DN Việt Nam cao, chịu rủi ro tỷ giá, hiểu biết của DN về thị trường tài chính quốc tế còn hạn chế, hệ số tín nhiệm quốc gia thấp…
Dấu hỏi lớn
Kết quả nghiên cứu thị trường Việt Nam vừa qua của InsightAsia Research Group cho thấy có 62% DNNVV Việt Nam được khảo sát cho rằng vấn đề về tài chính được cho là gặp khó khăn nhất.
Còn khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về môi trường kinh doanh đối với DNNVV Việt Nam cho thấy trung bình chỉ có 40% DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Con số này ở DN nhỏ là 62%, DN quy mô vừa là 74% và lên tới 81% đối với các DN quy mô lớn. DNVVN chịu lãi suất vay đắt đỏ hơn và vốn ngắn hạn là chủ yếu.
Trước đó, kết quả điều tra PCI 2015 của VCCI cho thấy có khoảng 82 – 89% số DN trả lời không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp; 32-59% DN cho rằng thủ tục vay vốn là phiền hà và 39- 64% số DN khẳng định việc “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng là phổ biến.
Việc đòi hỏi tài sản thế chấp (thường là bất động sản) đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn lớn cho việc vay vốn, tăng thêm các chi phí giao dịch và nhiều khi khiến vốn của DN bị đọng lại trong những tài sản không sản xuất, không tạo lợi nhuận.
Mặt khác, thủ tục vay vốn phiền hà chủ yếu làm tăng chi phí giao dịch vì thời gian, chi phí giấy tờ, đi lại… để có được một khoản vay sẽ tăng lên, còn chi phí “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng thực chất là chi phí cho tham nhũng. Tất cả những khoản chi phí này đều không được phản ánh trong lãi suất công bố của hệ thống tài chính nhưng lại ảnh hưởng đến chi phí thực của DN.
Do hạn chế về khả năng tiếp cận vốn trong nước, có không ít DN Việt đã chấp nhận vay nước ngoài với lãi suất cao. Nếu như vay ngoại tệ dài hạn, DN Việt được cho là phải trả mức lãi suất cao hơn nhiều.
Giới chuyên gia cũng lưu ý những DN Việt Nam càng ít phụ thuộc vốn bên ngoài thì tỷ lệ đóng góp vào giá trị gia tăng của nền kinh tế càng lớn hơn và hoạt động càng tốt hơn. Ngược lại, những DN càng phụ thuộc vốn bên ngoài thì hoạt động càng kém hơn và đóng góp vào giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng kém hơn.
Riêng với các DNNVV, việc vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài hay sự gỡ khó bằng các ứng dụng công nghệ vẫn là “dấu hỏi lớn” khi mà những khiếm khuyết của bản thân DN trong việc tiếp cận vốn ở trong nước đang còn đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo