Hỗ trợ doanh nghiệp

Thị trường 'đóng băng', doanh nghiệp ô tô xin gói cứu trợ

Doanh nghiệp sản xuất ô tô đã đề xuất Chính phủ cân nhắc về việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, trong bối cảnh một số doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động sản xuất vì dịch Covid-19.

Doanh nghiệp "dừng hay không dừng hoạt động" theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng? / Hà Nội: Cty Cổ phần Samaki Power trao tặng 18.000 khẩu trang tới quận Hoàng Mai

Hiện, ngành ô tô Việt Nam đang đối mặt với thách thức và khó khăn lớn chưa từng thấy khi tổng cầu giảm, hàng loạt hãng, doanh nghiệp xe hơi suy giảm doanh số bán hàng lẫn khó khăn về nguồn linh kiện để duy trì lắp ráp. Tính đến ngày 31/3, 3 doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam đã ra thông báo tạm dừng sản xuất.

Liên tiếp có doanh nghiệp tạm dừng sản xuất

Cụ thể, Nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai tại Ninh Bình (TC Motor) chính thức thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất nhằm đối với phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Một số doanh nghiệp sản xuất ô tô đã thông báo tạm dừng hoạt động (Ảnh Tư liệu)
Một số doanh nghiệp sản xuất ô tô đã thông báo tạm dừng hoạt động (Ảnh Tư liệu)

Theo đại diện TC Motor, dù chủ động được phần lớn linh phụ kiện trong nước, nhưng hãng này cũng bị ảnh hưởng một phần do phải nhập một số linh kiện từ Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 30/3, Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã quyết định tạm dừng sản xuất và chưa thông tin về thời gian sản xuất trở lại. Thời gian sản xuất trở lại phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu thị trường, tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ.

Tương tự, chỉ sau 2 tháng công bố nâng cấp nhà máy, Ford Motor đã chính thức thông báo tạm dừng sản xuất tại Hải Dương kể từ ngày 26/3/2020 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hãng này cũng chưa có kế hoạch rõ ràng về thời gian mở cửa trở lại nhà máy.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, ngành sản xuất ô tô lại là một trong những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19trong quý I/2020. Thiệt hại do đứt gãy chuỗi liên kết, hàng trăm nhà sản xuất lớn quy mô toàn cầu có liên kết mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạm ngừng sản xuất tại Trung Quốc và chấp nhận kịch bản doanh số sẽ sụt giảm ít nhất trong nửa đầu năm 2020.

 

Ông Thúy cho biết, điểm sáng được trông chờ của ngành sản xuất ô tô trong nước là dự án sản xuất, lắp ráp ô tô VinFast do hầu như không nhập khẩu linh phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc. Nếu không có VinFast, ngành ô tô sẽ còn suy giảm sâu hơn nữa. Doanh nghiệp ô tô nàycó thể sẽ gia tăng sản lượng sản xuất trong năm nay, tuy nhiên trong trường hợp thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn năm 2019.

Sau Tết Nguyên đán, thị trường ô tô vốn đã ảm đạm lại càng khó khăn hơn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khiến người tiêu dùng hạn chế mua ô tô.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 2 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng giảm rất mạnh. Tổng lượng xe bán ra 2 tháng đầu năm đạt khoảng 33.400 chiếc, giảm khoảng 13.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe con chỉ tiêu thụ được khoảng 25.200 chiếc, giảm hơn 11.2000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của VAMA, lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý cũng giảm sút đáng kể khiến số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng. Khi nhu cầu thị trường giảm sẽ gây áp lực giảm sản lượng nói chung của doanh nghiệp. Các yếu tố này đã ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch Covid-19 kéo dài. Doanh số của thị trường ô tô Việt Nam trong cả năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo của VAMA.

Sẽ cứu bằng cách nào?

 

Ông Toro Kinoshita, Chủ tịch VAMA cho biết, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy trong thời gian nhất định để tìm nguồn cung hàng thay thế.VAMA đề xuất Chính phủ cân nhắc về việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời cũng kích cầu tiêu dùng.

Cụ thể,VAMA đề xuất giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô; giãn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 - 9/2020 cho doanh nghiệp theo dự thảo do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng.

Đồng thời, VAMA cũng đề xuất giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán năm 31/3/2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020.

Bên cạnh đó, VAMA đề xuất Chính phủ nghiên cứu và ban hành gói kích cầu chung phát triển kinh tế, gia hạn các gói vay thương mại để các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ.

Theo đánh giá, nếu đề xuất giảm thuế phí được Chính phủ thông qua, giá ô tô sẽ giảm mạnh, từ đó kích thích người dân mua ô tô sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách hỗ trợ thuế phí, Việt Nam cũng cần cân nhắc tới các chính sách kích cầu nhu cầu mua xe trong nước như một số nước đang triển khai.

 

Ở Trung Quốc, chính quyền TP Quảng Châu đã đưa ra một kế hoạch trợ cấp nhằm kích cầu nhu cầu mua xe trong nước. TP Phật Sơn – thủ phủ của Volkswagen cũng có động thái tương tự khi tuyên bố hỗ trợ tiền cho khách hàng mua xe mới và những người muốn đổi xe. Đồng thời, chính quyền thành phố còn cung cấp thêm các khoản trợ cấp nhằm bù đắp chi phí tiếp thị của các công ty ô tô trong giai đoạn này.

Hay ở Hàn Quốc, Chính phủ quyết định trích một phần trong gói viện trợ 50 nghìn tỷ Won (tương đương 39 tỷ USD) để cứu ngành công nghiệp ô tô nước này. Ngoài ra, các hoạt động thông quan, vận chuyển hàng hóa sẽ được đẩy nhanh tốc độ, nhằm hỗ trợ thêm cho sự phục hồi của nền công nghiệp ô tô.

Tại Anh, ngành công nghiệp ô tô đang lên tiếng yêu cầu Chính phủ đưa ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy thị trường và đảm bảo đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU với hy vọng những đổi mới này sẽ phần nào giúp các nhà sản xuất ô tô hồi phục sau cơn ác mộng Covid-19...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm