Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ: Hậu Giang cần biến tiềm lực thành nguồn lực, đầu tư phải trọng điểm

DNVN - Sáng ngày 16/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022.

Vĩnh Long: Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp / Kiên Giang: Phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 300.000 ha

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 nhằm quảng bá các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch để thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng thực hiện các dự án.

Đồng thời, Hội nghị là một kênh xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022

Ngoài ra, Hội nghị còn là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp đối với tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay, toàn tỉnh có 235 DN công nghiệp và gần 5 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp. Hậu Giang đã thành lập được 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 1.078 ha. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được 114 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 35 nghìn lao động và đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Những năm qua, ngành công nghiệp Hậu Giang đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng hàng năm cao. Đến năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đã đạt 41.785 tỷ đồng và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 969 triệu USD. Tỉnh Hậu Giang quy hoạch phát triển khu công nghiệp định hướng đến năm 2050 toàn tỉnh sẽ có ít nhất là 15 cụm công nghiệp và 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.290 ha.

 

Hậu Giang có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,... cùng hệ thống truyền tải thuận lợi, là nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Cùng với đó, với quy mô dân số là gần 730 ngàn người, đa phần trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều hàng năm, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động, phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn tới của tỉnh là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tỉnh cam kết 2 nhanh, 3 tốt (2 nhanh là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt). Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp với khẩu hiệu "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui".

Ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị.

Ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu làm rõ hơn về tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung như: Tận dụng được kinh nghiệm của các tập đoàn lớn. Đồng thời, Hậu Giang cũng cần chủ động liên kết với các địa phương trong vùng. Ngoài ra, Hậu Giang cũng cần minh bạch thông tin trong việc thu hút đầu tư, có cơ chế thu hút các ngành khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi tư duy phát triển công nghiệp, coi đây là trọng tâm đột phá kinh tế nhưng phải phục vụ chế biến nông sản, thủy sản. Hậu Giang cũng cần chuẩn bị tốt hạ tầng như điện, giao thông... là yếu tố quyết định đến việc đầu tư của DN.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng; chính sách tiền tệ của các nước cũng tác động đến chúng ta, áp lực về lạm phát cũng rất lớn nhưng đất nước ta vẫn đứng vững, dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế phát triển đạt được thành tích rất đáng trận trọng: tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

 

Theo Thủ tướng Chính phủ, đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của Chính phủ với Quốc hội; sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cùng với đó là sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các DN trong, ngoài nước và sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của bạn bè quốc tế

“Môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, khách quan, bám sát thực tiễn, phù hợp tình hình, đồng hành hiệu quả với DN; sẵn sàng đối thoại, lắng nghe hỗ trợ tối đa, để cải thiện môi trường đầu tư với tinh thần cầu thị, học hỏi, tôn trọng ý kiến các nhà đầu tư, các DN; biết chia sẻ với các DN khi gặp khó khăn, nhưng phải làm đúng luật, không hợp thức hóa cái sai. Bởi hợp thức hóa người làm sai sẽ triệt tiêu động lực của người làm đúng. Cần tìm cơ chế giải quyết phù hợp, bảo đảm lợi ích nhà nước, lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích DN và người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Nói về sự phát triển của tỉnh Hậu Giang thì hiện đã có chủ trương, có Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Hậu Giang; có Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 13; có quy hoạch, đầu tư phát triển vùng. Tất cả đã có vốn, có chủ trương giờ chỉ tổ chức thực hiện thôi”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng mong muốn, Hậu Giang cần biến tiềm lực thành nguồn lực. Tiềm lực phải trở thành nguồn lực vật chất, của cải góp phần đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân, cho đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Hậu Giang cần biến khát vọng thành hành động thiết thực, hiệu quả.

 

Phải biến cái không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; vừa bảo đảm nguồn lực bên trong cùng sự hỗ trợ nguồn lực bên ngoài. Phát huy tinh thần tự lực tự cường, không trọng chờ ỷ lại.

Đầu tư phải trọng điểm, không manh mún, dàn trải gây lãng phí, kém hiệu quả; quan tâm đúng mức đến việc nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng đào tạo nhân tài.

Đối với DN, nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn DN đến Hậu Giang thì phải dành tình cảm, cảm xúc chân thành đối với vùng đất và con người Hậu Giang. Khi đến Hậu Giang đầu tư, kinh doanh thì phải có lòng tin, có lòng tin thì DN mới vượt qua khó khăn để cùng chia sẻ với Hậu Giang. Thủ tướng cũng mong muốn DN luôn bảo đảm lợi ích hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, người dân và DN. Lợi ích hài hòa nhưng khó khăn phải chia sẻ”.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các DN, nhà đầu tư tại hội nghị

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các DN, nhà đầu tư tại hội nghị.

 

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang xác định mục tiêu đến năm 2025 là cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế. Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13-15 nghìn tỷ đồng/năm. Đồng thời trở thành 1 trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại ĐBSCL.

Hòa Minh - D.K
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm