Thủ tướng yêu cầu lập ngay đoàn đàm phán với Mỹ, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp
Đà Nẵng: 4 doanh nghiệp được lựa chọn đầu tư vào cụm công nghiệp Hoà Liên / Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ về ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ ngày 10/4, các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam đã kịp thời nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách và triển khai thực thi hiệu quả với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, không cầu toàn, không nóng vội, đề cao trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm. Minh chứng rõ ràng là việc Mỹ đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng với Việt Nam – một bước đi tích cực tiếp nối sau Nhật Bản, Hàn Quốc – nhằm tiến tới cân bằng thương mại bền vững giữa hai quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp, kịp thời đề xuất và thực thi chính sách phù hợp, đặt mục tiêu ổn định tình hình trong nước, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của người dân và nhà đầu tư, đồng thời góp phần vào hòa bình và phát triển khu vực.
Thủ tướng xác định rõ đây là thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, phát triển tuần hoàn, bền vững và toàn diện. Cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đầu tư, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Mục tiêu cụ thể là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có nợ công, bội chi ngân sách, giảm phụ thuộc vào một số thị trường đơn lẻ và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý khéo léo các mối quan hệ quốc tế, không để việc ứng phó với một đối tác ảnh hưởng đến các đối tác khác, bảo đảm thực hiện đầy đủ cam kết trong 17 FTA đã ký với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh các giải pháp giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, hoàn thuế VAT, mở rộng đối tượng ưu đãi phí, lệ phí và tiền thuê đất, kể cả với hộ nông dân trồng chè. Đồng thời, Bộ Xây dựng được giao trình chính sách thuế với mặt hàng clinke xi măng, rà soát lại mặt bằng thuế xuất nhập khẩu để bảo đảm cân đối hợp lý.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng là một nhiệm vụ then chốt, với yêu cầu rà soát trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương để có chế tài xử lý nếu chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.
Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các gói tín dụng ưu đãi như gói 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ và tiêu dùng nội địa. Đồng thời bảo đảm ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng dự trữ ngoại hối.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh trong năm 2025; xóa bỏ tối thiểu 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ứng dụng chuyển đổi số vào giải quyết thủ tục.
Về chính sách thương mại, cần tận dụng tối đa các FTA hiện có, mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Đông Âu, Nam Mỹ, Nam Á… Đồng thời xử lý các vấn đề Mỹ quan tâm như xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại quốc phòng, an ninh, và tăng cường trao đổi hàng hóa với Mỹ, bao gồm mặt hàng máy bay và khí LNG.
Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản. Các chính sách an sinh xã hội sẽ được tiếp tục, trong đó có hỗ trợ người nghèo, người có công, bảo hiểm xã hội, giải quyết thất nghiệp, hỗ trợ sinh hoạt tối thiểu cho người lao động, phát triển nhà ở xã hội và xóa nhà tạm.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực hỗ trợ đoàn viên trong các ngành bị ảnh hưởng nặng. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực thị trường, tài chính, công nghệ, sở hữu trí tuệ, mẫu mã, bao bì...
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu trong ngày 11/4 phải thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ xây dựng kịch bản, phương án phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các bộ: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao được giao tiếp tục tham vấn với các đối tác quốc tế, bảo đảm thực hiện nghiêm các cam kết của Việt Nam và ngăn chặn gian lận thương mại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo