Thương hiệu

Các tiêu chí để được chứng nhận Sản phẩm thương mại đặc trưng của TP Đà Nẵng

DNVN – Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam đưa tin Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam vừa cấp Giấy chứng nhận số 367846 bảo hộ Nhãn hiệu “DANANG VALUE” chứng nhận Sản phẩm thương mại đặc trưng của TP Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu thông tin về những tiêu chuẩn, cũng như thủ tục rđể được cấp nhãn hiệu này.

Đà Nẵng: Dawaco thành lập Trung tâm Phân tích kiểm nghiệm chất lượng nước đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 / Số lượng người nhập cư vào Đà Nẵng có xu hướng tăng và sức ép vỡ cơ sở hạ tầng

Đã có 10 sản phẩm được công nhận Sản phẩm thương mại đặc trưng của TP Đà Nẵng

Như tin đã đưa, sau thời gian thẩm định theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam vừa có Quyết định số 88378/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận số 367846 bảo hộ Nhãn hiệu “DANANG VALUE”chứng nhận Sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng (SPTMĐT) của TP Đà Nẵng. Mã màu của nhãn hiệu gồm xanh đen (R:0-G:0-B:102 và C:100-M:90-Y:10-K:40) và đỏ (R:225-G:0-B:0 và C:0-M:100-Y:100-K:0).

Sản phầm nước mắm "Hương Làng Cổ" của Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô đã được công nhận là Sản phẩm thương mại đặc trưng của TP Đà Nẵng

Sản phầm nước mắm "Hương Làng Cổ" của Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô đã được công nhận là Sản phẩm thương mại đặc trưng của TP Đà Nẵng.

Sở Công Thương Đà Nẵng là cơ quan thường trực Hội đồng xét công nhận SPTMĐT TP Đà Nẵng, được UBND TP Đà Nẵng giao trách nhiệm quản lý, theo dõi, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “DANANG VALUE” và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có sản phẩm được UBND TP Đà Nẵng công nhận là SPTMĐT của TP.

Sản phẩm được công nhận là SPTMĐT của TP Đà Nẵng sẽ được sử dụng nhãn hiệu “DANANG VALUE” để gắn lên sản phẩm, bao bì của sản phẩm và các tài liệu giao dịch liên quan nhằm phục vụ cho việc quảng bá sản phẩm đã được công nhận (có thời hạn).

Doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là SPTMĐT sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm miễn phí trên Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng và các Sở, được ưu tiên vay vốn ưu đãi và được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Qua đó có cơ hội nâng tầm vị thế, thương hiệu, uy tín sản phẩm với người tiêu dùng trong nước và có cơ hội phát triển ra thị trường nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam sáng 24/11, bà Võ Thị Hà Phương, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Đà Nẵng) cho biết thêm, đến nay đã có 2 lần xét công nhận với 10 sản phẩm đã được công nhận là SPTMĐT của TP Đà Nẵng.

Trong đó, năm 2018 có 6 sản phẩm được công nhận; gồm “Lót giày Hương Quế”; “Dép dưỡng sinh chất lượng cao Hương Quế” (Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh XNK Hương Quế); “Mô hình Cầu Rồng” (Công ty TNHH MTV XNK Mỹ nghệ Lê Quang Huy); “Áo sơ mi nam casual Merriman”; “Quần kaki lưng tangdor Merriman”; “Quần tây lưng tangdor” (Toonggr Công ty CP Dệt may Hòa Thọ).

Năm 2019 có 04 sản phẩm được công nhận SPTMĐT của TP Đà Nẵng, gồm: “Nước mắm Nam Ô – Hương Làng Cổ” (Công ty TNHH Mắm Hồng Hương); “Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ” (Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ); “Mắm nhĩ Bình Minh” (Hợp tác xã mắm Bình Minh); “Cà phê sạch MaYaCa, gồm các sản phẩm có ký hiệu MaYaCa M3, MaYaCa M4, MaYaCa M5 và MaYaCa M6 (Công ty TNHH Cà phê MaYaCa).

“Năm 2020 đang tiếp tục phát động. Thường thì Hội đồng xét công nhận sẽ tiếp nhận hồ sơ để xét ngay trong năm, nhưng do dịch Covid-19 nên mãi đến mới đây mới tổ chức công bố Quyết định, thời gian tiếp nhận hồ sơ năm 2020 sẽ kéo sang đầu năm sau 2021 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký tham dự!”- Bà Võ Thị Hà Phương cho biết.

Muốn được cấp nhãn hiệu “DANANG VALUE” phải đạt những tiêu chuẩn nào?

Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc doanh nghiệp muốn được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận SPTMĐT của TP Đà Nẵng thì cần phải đạt những tiêu chuẩn nào, làm thủ tục ra sao để được cấp nhãn hiệu?

Bà Võ Thị Hà Phương cho hay, ngày 10/10/2016, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Quyết định 6875/QĐ-UBND ban hành Quy chế xét công nhận SPTMĐT của TP Đà Nẵng. “Việc ban hành Quy chế này nhằm góp phần quảng bá, nâng cao hiệu quả thương mại của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước; qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh TP Đà Nẵng ra thế giới!” – Bà Võ Thị Hà Phương nói.

Theo đó, việc xét công nhận SPTMĐT được tổ chức mỗi năm một lần. Năm 2020, thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 21/10/2020 đến hết ngày 31/01/2021. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ là Hội đồng xét công nhận SPTMĐT của TP Đà Nẵng (Sở Công Thương), Tầng 19 Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, Đà Nẵng.

Theo Quy chế, sản phẩm được công nhận là SPTMĐT của TP Đà Nẵng phải đáp ứng các tiêu chí: Về nội dung - ý nghĩa, sản phẩm phải mang ý nghĩa, nội dung thể hiện nét đặc trưng của TP Đà Nẵng như gắn liền với các yếu tố lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, di tích, phong tục, tập quán, chất liệu… riêng có của TP Đà Nẵng.

Về các yếu tố đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm phải được sản xuất tại Đà Nẵng, hoặc có công đoạn sản xuất tại đây chiếm trên 70% trong tổng giá trị cấu thành sản phẩm; đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; thân thiện với môi trường, có quá trình sản xuất không gây ô nhiễm hoặc có biện pháp bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia; khuyến khích các sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ.

Về chất lượng và bao bì, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, độ tin cậy, độ bền, tính an toàn, thẩm mỹ, đảm bảo sự hài hòa về mẫu mã, kiểu dáng, bao gói, quy định về nhãn mác sản phẩm. Về hiệu quả kinh tế, sản phẩm đã được lưu thông ổn định trên thị trường ít nhất 02 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ xét chọn; ưu tiên sản phẩm có tăng trưởng về doanh thu theo các năm.

Về yếu tố phát triển bền vững của sản phẩm và cơ sở sản xuất, yêu cầu thời gian thành lập cơ sở sản xuất ít nhất là 2 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ xét chọn; có khả năng phát triển mở rộng sản xuất, đáp ứng nu cầu mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước, hướng đến xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả xã hội.

Cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là SPTMĐT có trách nhiệm tiếp tục duy trì và phát triển các SPTMĐT đã được công nhận về số lượng và chất lượng, phù hợp với các tiêu chí nêu trên. Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình, giải pháp nhằm phát triển sản phẩm được công nhận.

Trong trường hợp vì lý do nào đó, doanh nghiệp không có nhu cầu duy trì hoặc không có khả năng duy trì sản phẩm đã được công nhận là SPTMĐT thì doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo về Sở Công Thương Đà Nẵng để báo cáo UBND TP ra Quyết định thu hồi hoặc hủy Giấy chứng nhận; đồng thời thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp xảy ra khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến sản phẩm đã được công nhận SPTMĐT của TP Đà Nẵng mà lỗi được xác định do đơn vị, doanh nghiệp đã được công nhận gây ra, Sở Công Thương Đà Nẵng tham mưu UBND TP ra Quyết định thu hồi hoặc hủy Giấy chứng nhận và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hồ sơ đăng ký xét chọn được lập thành 02 bộ (đựng trong bì hồ sơ) và gửi trực tiếp đến Hội đồng xét chọn, gồm:

- Phiếu đăng ký tham gia xét công nhận SPTMĐT (theo mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định số 6875/QĐ-UBND);

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị;

- Bản thuyết minh giới thiệu về sản phẩm (theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Quyết định số 6875/QĐ-UBND) kèm theo ảnh của sản phẩm được chụp tại các góc độ khác nhau (gồm 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9x12 cm); ngoài ra, doanh nghiệp có thể gửi video/clip thuyết minh, giới thiệu về sản phẩm, quy trình sản xuất,...

- Các tài liệu khác liên quan đến sản phẩm như chứng chỉ, chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, giấy khen, bằng khen cho sản phẩm, giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (nếu có);

Ngoài các hồ sơ trên, đơn vị tham gia gửi sản phẩm cụ thể về Hội đồng theo thời gian, địa điểm nêu trên. Trong trường hợp đặc biệt mà đơn vị tham gia không thể gửi sản phẩm cụ thể đến Hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng sẽ xem xét và quyết định phương thức thẩm định đối với sản phẩm đó.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm