Thương hiệu

Chủ tịch MVV Group: Doanh nghiệp phải xây dựng "rừng mơ" cho nhân viên và đối tác

DNVN - Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch MVV Group, khi quảng bá về tầm nhìn của doanh nghiệp (DN), DN cần nhớ rằng tham vọng của DN luôn luôn là điều thuyết phục nhà đầu tư. Theo đó, ông nói vui rằng DN phải xây dựng "rừng mơ" cho nhân viên và đối tác. Và đây là 1 trong 6 trụ cột truyền thông cho thương hiệu DN.

Năm 2020: Giảm 8% số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay / Năm 2020: Số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích tăng 35%

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết hiện nay họ vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm ra một phương pháp đo lường và đánh giá hiệu quả đầu tư trong việc xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, chiến lược thương hiệu xây dựng dựa trên khuôn mẫu chung chưa thể giúp doanh nghiệp có thể tạo ra được sự khác biệt.
Thực tế cho thấy, truyền thông thương hiệu là 1 trong những yếu tố quan trọng của chiến lược marketing, là công cụ để khách hàng biết về sản phẩm của DN, đánh giá về chất lượng lẫn dịch vụ, từ đó giúp cho DN không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm đem đến cho khách hàng và người tiêu dùng. Làm thế nào để xây dựng thương hiệu qua tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG)?
Trả lời câu hỏi này, tại một sự kiện về chủ đề thương hiệu do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch MVV Group đã chia sẻ cách thức quảng bá vị thế thương hiệu quốc gia qua 6 cột trụ truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp.
Trụ cột đầu tiên của các hoạt động truyền thông là quảng bá về vị thế dẫn đầu/dẫn dắt của DN. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của THGQ: "Tôi là người đi đầu trong lĩnh vực của tôi".
Theo ông Sơn, việc xây dựng vị thế dẫn đầu tùy thuộc các bạn nhìn nhận vị thế dẫn đầu ở đâu? Có thể các bạn không phải là ngân hàng lớn nhất nhưng các bạn là ngân hàng có lãi suất vị trí dẫn đầu. Có thể không phải là ngân hàng lớn nhất nhưng là ngân hàng được nhiều người ưa thích nhất - đó cũng là vị thế dẫn đầu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch MVV Group.
"Có thể công ty của bạn chưa lớn nhất trong ngành nhưng là nơi làm việc tốt nhất. Do đó, đừng tìm kiếm vị thế dẫn đầu ở toàn ngành mà tìm kiếm một vị trí dẫn đầu nhỏ hơn ở trong đó. Bạn phải kiên định trong việc tuyên bố tôi là người thứ nhất, là người duy nhất, làm được tốt nhất điều đó. Vị thế dẫn đầu tạo ra vị thế ảnh hưởng, sức mạnh mềm của mình", Chủ tịch MVV Group nói.
Trụ cột thứ hai là quảng bá về tầm nhìn của DN. Cái quan trọng không phải là mình bé, mà cái quan trọng là tham vọng của mình đến đâu và tham vọng của DN luôn luôn là điều thuyết phục được nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư muốn đầu tư vào những DN có tham vọng lớn bởi vì có thể bây giờ DN rất bé nhưng ước mơ của mình phải là ước mơ lớn, phải là ước mơ dẫn đầu. DN phải xây dựng "rừng mơ" cho nhân viên và đối tác của chúng ta", ông Sơn cho biết.
Trụ cột thứ ba là hình ảnh lãnh đạo. Thương hiệu của con người gắn liền với thương hiệu của DN. Chẳng hạn, thương hiệu của bà Mai Kiều Liên hỗ trợ cho thương hiệu của Vinamilk. Thương hiệu của ông Vượng cũng hỗ trợ rất nhiều cho thương hiệu của Vingroup.
"Vậy làm sao để xây dựng được hình ảnh đội ngũ lãnh đạo? Việc này rất quan trọng. Hình ảnh lãnh đạo không chỉ là chủ tịch, là tổng giám đốc (TGĐ) mà hình ảnh của một lứa lãnh đạo hay quản lý mới cũng hết sức quan trọng và hỗ trợ rất nhiều cho DN. DN đối tác sẽ không mua một DN mà tất cả mọi thứ xoay quanh Chủ tịch hay TGĐ, bởi vì chẳng may Chủ tịch hay TGĐ qua đời vì tai nạn, lúc đó phải xây dựng hình ảnh đội ngũ lãnh đạo và phải thu hút bằng việc thuê người từ những DN rất nổi tiếng vào làm. Tôi cho rằng, phải làm rất nhiều thứ để chứng tỏ là DN có một dàn lãnh đạo chứ không phải một người lãnh đạo. Nhân hiệu và thương hiệu của lãnh đạo cực kỳ quan trọng", ông Sơn nhấn mạnh.
Trụ cột thứ tư là trách nhiệm xã hội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng nói "DN đạt THQG nói chung phải yêu nước, yêu nước thì mới có tham vọng đem tên tuổi của mình mang tính đại diện và mong thương hiệu của mình mang lại chất lượng, đổi mới, vị thế dẫn đầu cho người Việt Nam".
"Cho nên mọi người không nên hiểu nhầm trách nhiệm xã hội của DN sang hoạt động từ thiện của DN. Việc xây nhà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, xây cầu, trồng cây... mới chỉ thể hiện một phần của trách nhiệm xã hội, chứ không phải là tất cả. Trách nhiệm xã hội của DN thể hiện đầu tiên ở trách nhiệm của DN với cộng đồng gần gũi nhất, đó là nhân viên, cư dân xung quanh nhà máy. DN lo cho những đối tượng này trước rồi mới đến xã, huyện, tỉnh, đất nước.
Trụ cột thứ 5 là giải thưởng. Đó là việc DN theo đuổi những giải thưởng quốc tế, giải thưởng Việt Nam trong ngành. Sự công nhận của BTC đối với DN đạt danh hiệu THQG rất quan trọng. Đây là đấu trường để DN thử sức. Jack Ma từng nói: "Tham vọng của DN ở đâu sẽ xác định tầm của DN ở đó. Nếu tham vọng của chúng tôi là kinh doanh ở Triết Giang thì tầm vóc của Alibaba chỉ ở Triết Giang, nhưng khi tham vọng của chúng tôi ở toàn cầu thì tầm vóc của DN sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trụ cột thứ 6 là truyền thông nội bộ. Mỗi một nhân viên của DN đều có thể và rất nên trở thành đại sứ của thương hiệu. Vấn đề là làm sao xây dựng được lòng tự hào cho nhân viên của DN.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ/ngành triển khai. Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, nâng cao vị thế và giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, lĩnh vực của nền kinh tế khi chúng ta ngày càng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.
Chương trình nhằm mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiêu chí của chương trình: CHẤT LƯỢNG - ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO - NĂNG LỰC TIÊN PHONG

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm