Thương hiệu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu đến năm 2030 có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

DNVN - Tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2022 tối 2/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời bày tỏ hy vọng đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam.

Giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam "thăng hạng" mạnh / Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sen Huế”

Doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG liên tục tăng
172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm có chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ cao, uy tín trên thị trường và đại diện cho THQG Việt Nam đã được ghi nhận và vinh danh tại Lễ Công bố sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2022.
Đến dự và chúc mừng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Lễ công bố sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 là một sự kiện quan trọng, đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế, góp phần đưa thương hiệu Việt ngày càng trở nên thân thiện, uy tín và hấp dẫn hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời biểu dương Hội đồng THQG, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai đạt kết quả tốt trong các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự kiện có ý nghĩa tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VGP).
"Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Chương trình THQG với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022. Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế. Đây cũng chính là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, 172 doanh nghiệp đạt THQG năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đạt THQG nói riêng không chỉ thể hiện xuất sắc ở nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay cùng với cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lụt và nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp khác; thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2022. (Ảnh: VGP)

Cùng với sự phát triển và khẳng định uy tín của sản phẩm, của doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình THQG đã góp phần thúc đẩy THQG thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh.
"Tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần. Để làm được điều đó chúng ta cần xây dựng được niềm tin của xã hội, của nhân dân, của cộng đồng quốc tế với thương hiệu Việt. Niềm tin đó được hội tụ bởi nhiều nhân tố như chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh chuẩn mực, hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, sự đóng góp, tính nhân văn của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, với đất nước và với các đối tác, bạn bè quốc tế", người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của chương trình, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đạt THQG nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời gian tới tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với THQG Việt Nam.
Đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực.
Không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh; tuân thủ đúng quy định, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Không ngừng xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội...
"Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Thủ tướng chia sẻ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm