Xây dựng thương hiệu du lịch: Cần marketing số, kể những câu chuyện chân thực và cuốn hút
DNVN - Để xây dựng thương hiệu du lịch, cần kể những câu chuyện chân thực và cuốn hút về các sản phẩm, đồng thời phát triển chiến lược quảng bá chung giữa ngành du lịch và hàng không. Ngoài ra, cần đẩy mạnh marketing số, sử dụng KOLs và hợp tác với các tổ chức truyền thông quốc tế để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam / Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Tại diễn đàn "Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam" ngày 26/12 tại Hà Nội, ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Còn mục tiêu năm 2025 du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP.
Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Theo ông Trí, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đòi hỏi vai trò lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Cần thiết kế hạ tầng xanh hướng tới sự thịnh vượng và bền vững dựa trên các tiêu chí của chứng chỉ LEED, xây dựng các công trình với việc sử dụng các vật liệu phát xạ thấp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống, công trình xanh, hạ tầng xanh. Cùng đó, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo 4 yếu tố tiện nghi, thẩm mỹ, vệ sinh, an toàn để thu hút du khách.
Ông Trí cũng chỉ ra các yếu tố tạo nên điểm đến hấp dẫn như phong cảnh đặc sắc, văn hóa bản địa, và công nghệ thông minh. Điều này yêu cầu sự đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Ở góc độ chuyên gia, TS Trịnh Lê Anh - Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong nghiên cứu học thuật cũng như tổng kết thực tiễn về câu chuyện thương hiệu du lịch của quốc gia tập trung vào một số điểm quan trọng: tài nguyên và hình ảnh điểm đến; chính sách và quản lý du lịch, trong đó có cam kết của Chính phủ về việc mở rộng và chào đón khách; câu chuyện trải nghiệm thực tế của du khách; truyền thông và quảng bá; yếu tố an toàn, ổn định chính trị...
TS Trịnh Lê Anh - Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Lâu nay mọi người vẫn cho rằng điểm quan trọng số 1 phải là tài nguyên và hình ảnh điểm đến. Cá nhân tôi cho rằng, đến bây giờ cần thay đổi quan điểm. Không nên cứ nhấn mạnh rằng tài nguyên và hình ảnh điểm đến là số 1 nữa. Thay vào đó, câu chuyện về sự cam kết của Chính phủ và thái độ hiếu khách của người dân trên thực tế, tức là hành vi thực tế được cam kết bởi Chính phủ và người dân sở tại là yếu tố quan trọng nhất. Yếu tố trải nghiệm thực tế của du khách cùng với tài nguyên và hình ảnh điểm đến mới tạo nên thương hiệu du lịch bền vững trong thời đại mới. Các yếu tố còn lại cần được xếp sau", TS Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bích - Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong việc định hình hình ảnh du lịch bền vững. Theo ông Bích, khách du lịch ngày càng ưu tiên các điểm đến thân thiện với môi trường, yêu cầu sự minh bạch trong thông tin và các sáng kiến bền vững từ địa phương.
Để xây dựng thương hiệu du lịch, cần kể những câu chuyện chân thực và cuốn hút về các sản phẩm, đồng thời phát triển chiến lược quảng bá chung giữa ngành du lịch và hàng không. Ngoài ra, cần đẩy mạnh marketing số, sử dụng KOLs và hợp tác với các tổ chức truyền thông quốc tế để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo