Hỗ trợ doanh nghiệp

Tìm giải pháp quản trị rủi ro, phát triển doanh nghiệp bền vững giữa thế giới biến động

DNVN - Theo ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng giám đốc chiến lược và marketing của Owen Fashion, một chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả là sự kết hợp của 3 yếu tố tăng trưởng kinh doanh, quản trị chiến lược và kiểm soát thực thi. Từ đó, các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững với khả năng chống chịu rủi ro, gắn kết các mục tiêu và cơ hội mới.

Hơn 165.000 tỷ đồng gia hạn, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân / Khơi thông điểm nghẽn để doanh nghiệp tự tin chinh phục thị trường mới

Doanh nghiệp cần tự "soi" lại nội lực để nhận diện điểm mạnh, yếu

Tại Trends Summit #02 - sự kiện thường niên về xu hướng tại Việt Nam do hệ sinh thái BrandMarCom DigiMind Group, Reputyze Asia, Trends Việt Nam và Venus Việt Nam phối hợp tổ chức tổ chức tại Hà Nội ngày 8/12, các nhà lãnh đạo, tiếp thị, chủ doanh nghiệp đã trao đổi về các nội dung đa chiều xoay quanh Mega Trends, quản trị chiến lược, BrandMarCom và công nghệ, giúp doanh nghiệp tìm ra hướng đi bền vững trong bối cảnh kinh tế chậm lại.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp SMBs hiện đang chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 40% GDP thường niên - đóng vai trò xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, chính bởi quy mô nhỏ, khu vực doanh nghiệp này cũng là một trong những thành phần “dễ chịu tổn thương” trong bối cảnh kinh tế không ổn định.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có tới 146,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20% cùng kỳ năm trước) do gặp nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh.

Bà Tracy Vũ, nhà sáng lập và CEO của DigiMaster, Trends Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, trước những biến động khôn lường của thị trường và tình hình giảm sút của kinh tế, doanh nghiệp cần tìm ra những chiến lược và giải pháp để đưa nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh trở lại đà tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, sự phát triển vượt bậc về xu hướng tiêu dùng, công nghệ trí tuệ nhân tạo… buộc doanh nghiệp cần phải đưa ra những quyết định sáng suốt để có những chiến lược kinh doanh phù hợp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với chủ đề "Making the spotlight in the big slowdown" và slogan “Chậm để chạm - Slow for Sustainability”, sự kiện Trends Summit #02 đã tập trung vào các xu hướng mới nhất về hành vi tiêu dùng, quản trị doanh nghiệp, công nghệ và marketing.

Bà Tracy Vũ, nhà sáng lập và CEO của DigiMaster, Trends Việt Nam đã phân tích mô hình Mind Hacking Model để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nội lực và ngoại lực của mình trong năm nay từ đó tìm hiểu gốc rễ cơ chế vận hành, vận dụng các xu hướng Mega Trends cũng như chủ động kiến tạo các xu hướng mới cho doanh nghiệp của riêng mình.

"Mega Trends được định nghĩa là những xu hướng có tác động rộng lớn và toàn cầu, không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý, chính trị hay văn hóa, và liên quan đến những vấn đề chung của nhân loại như sức khỏe, giáo dục, an ninh, môi trường và phát triển bền vững.

Đồng thời, chủ đề của sự kiện The Big Slowdown chỉ sự chậm lại của sự tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây. Tư duy nhanh, chậm được hiểu là các tư duy, nhận thức, góc nhìn, suy nghĩ, quyết định có phạm vi và mức độ tác động lớn đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc nhiều khía cạnh như chiến lược, thương hiệu, quản trị", bà Tracy Vũ nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp phải tự soi lại nội lực của mình, phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc đẩy hàng tồn kho, thúc đẩy bán hàng, cắt giảm chi phí, nguồn vốn cạn kiệt, dòng tiền không ổn định.

Đồng thời, xu hướng tiêu dùng trong năm 2023 và dự báo cho năm 2024 ngày càng có sự phân hóa đa dạng bởi những diễn biến khó đoán của bối cảnh bên ngoài bao gồm thị trường, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tâm lý phức tạp của người tiêu dùng.

Các chuyên gia trao đổi tại sự kiện.

Tại Trends Summit 02, các chủ đề lớn đã được thảo luận, điển hình là quan tâm tới sức khỏe, đầu tư vào trải nghiệm, đề cao tính nguyên bản, tập trung đầu tư vào các giá trị và tính bền vững.

Các doanh nghiệp hiện nay đang hướng tới mục tiêu chung là tăng trưởng, phát triển bền vững, nhưng mục tiêu bên trong lại tập trung vào nhóm lớn như quản trị, hệ thống giá trị, chiến lược, branding, công nghệ. Đối tượng hướng tới của doanh nghiệp cũng ngày càng đa dạng bao gồm các đối tượng đa thế hệ, đa hành vi và cả Human (liên quan tới con người), Non-Human (không liên quan tới con người).

Các xu hướng Mega Trends được hình thành như hướng vào bên trong là đầu tư vào giá trị, hướng ra bên ngoài như sức khoẻ, trải nghiệm, tính nguyên bản và xu hướng lớn bao trùm bên trong và bên ngoài là bền vững. Tính bền vững vừa là mục tiêu, mục đích, vừa là kết quả của các xu hướng trên.

Hướng đi nào để quản trị rủi ro, phát triển bền vững?

Theo ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng Giám đốc chiến lược và marketing của Owen Fashion, một chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả là sự kết hợp của 3 yếu tố: tăng trưởng kinh doanh, quản trị chiến lược và kiểm soát thực thi. Từ đó, một tổ chức có thể phát triển bền vững với khả năng chống chịu rủi ro, khi có thể gắn kết với các mục tiêu và cơ hội mới, linh hoạt phân bổ nguồn lực và đơn giản hóa quy trình ra quyết định.

Ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng Giám đốc chiến lược và marketing của Owen Fashion.

Ông cũng đề cập đến 5 góc độ tiếp cận bền vững và ứng biến linh hoạt, bao gồm: tăng tầm nhìn xa, tăng khả năng phản ứng, tăng khả năng thực thi và thiết lập xu hướng trên thị trường, duy trì sự ổn định và hiệu quả, gia tăng sự linh hoạt liên quan đến tài chính, hoạt động và nguồn lực.

Bàn về các góc độ quản trị của các hoạt động BrandMarCom, ông Andy Vũ - nhà sáng lập và Tổng Giám đốc DigiMind Group cho rằng, tư duy đúng là một bước quan trọng trong việc quản lý doanh nghiệp, giúp tăng cường khả năng sáng tạo, đổi mới và xác định các vấn đề cùng giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu kinh doanh; đưa ra hướng dẫn cho các doanh nghiệp về việc xây dựng thương hiệu, truyền tải thông điệp và tạo dấu ấn trong thế giới “chậm”.

Ông Andy Vũ - nhà sáng lập và Tổng Giám đốc DigiMind Group.

"Doanh nghiệp càng nhỏ càng cần quan tâm tới thương hiệu và cần xác định vị trí của mình trong chuỗi cung ứng của ngành ví dụ như làm rõ vai trò nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà phân phối hay đại diện thương mại. Các doanh nghiệp cần biến nhân viên, đối tác, khách hàng, công chúng thành đại sứ thương hiệu và quan tâm tới nhiều nhóm công chúng hơn thay vì chỉ khách hàng bởi vì trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin dâng cao, vòng lặp và vòng tuần hoàn tiếp cận thương hiệu và sản phẩm ngày càng cần điểm chạm đa chiều và đáng tin cậy hơn", ông Andy Vũ nói.

Còn theo ông Kiên Đoàn - nhà sáng lập và chủ tịch Reputyze Asia, trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) không chỉ đơn thuần là để tăng tốc độ và hiệu suất. Điều quan trọng hơn, công nghệ cần phải mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống và xã hội.

Với các xu hướng công nghệ mới như AI, ML, Marketing Automation, Chatbot, Virtual Shopping, Virtual Influencers, CDP, Gamification…, trong quá trình ứng dụng, doanh nghiệp cần tuân theo nguyên tắc “đúng và đủ". Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những công nghệ mới nhất, mà còn giúp họ thấu hiểu và kết hợp công nghệ với các chiến lược kinh doanh một cách chắc chắn và hiệu quả.

Nhìn chung, khi nền kinh tế suy giảm tạo nên nhiều thách thức, doanh nghiệp cần nhìn xa hơn và đánh giá lại cách tiếp cận đối với sự phát triển bền vững. Thông điệp của Trends Summit - “Chậm để chạm - Slow for Sustainability” khuyến khích các doanh nghiệp cần sống chậm lại và quan tâm nhiều hơn đến các giá trị bền vững.

Lợi nhuận không còn là mục tiêu duy nhất, mà doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc công bằng, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tạo ra các giá trị thực cho xã hội và con người.

Bà Tracy Vũ nhấn mạnh: “Thông qua sự kiện lần này, chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp lớn về việc các giá trị thật, giá trị tinh thần và giá trị bền vững đã thực sự lên ngôi. Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng sức mạnh của một tổ chức phụ thuộc vào năng lực và năng lượng tinh thần của nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo cần có tư duy đúng đắn trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như cần luôn giữ vững và bảo toàn năng lượng tích cực để bền bỉ dẫn dắt đội ngũ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Thứ hai, khách hàng tử tế, chính trực và hợp nhất với giá trị của doanh nghiệp mới thực sự là thượng đế.

Thứ ba, môi trường làm việc cần được xây dựng nhằm đảm bảo thúc đẩy sự chuyển đổi xã hội cho nhân viên.

Thứ tư, tôi tin rằng hệ thống giá trị về con người mới chính là tài sản quý giá nhất của tổ chức, chứ khôngg phải con người. Con người chỉ là kết quả của quá trình xây dựng hệ thống giá trị đó. Nên nếu không có hệ thống giá trị và tiêu chí về nhân sự thì các công tác tuyển dụng và giữ chân nhân tài sẽ gặp nhiều trở lực lớn.

Thứ năm, chúng tôi khẳng định rằng không phải khách hàng hay lấy khách hàng làm trung tâm mà con người mới là trung tâm của mọi hoạt động. Doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược nhằm tạo ra giá trị hướng tới con người như một cá thể độc lập trong xã hội chứ không phải vì họ là người mua sản phẩm của doanh nghiệp".


Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo