Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao cần hệ sinh thái cho ngành quế tận dụng FTA?

DNVN - Ngành quế Việt Nam, dù đã có vị thế nhất định trên thế giới, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Để nâng cao giá trị xuất khẩu và tối ưu hóa các ưu đãi từ FTA, việc xây dựng hệ sinh thái cho ngành quế là yêu cầu cấp bách.

Xuất khẩu "xanh” để chinh phục thị trường quốc tế / Hỗ trợ nâng cao năng lực mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số

Doanh nghiệp gặp khó trong tận dụng FTA

Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có chỗ đứng tương đối vững chắc trong sản xuất và xuất khẩu quế trên thế giới. Trong khi đó, quế là cây trồng có từ lâu đời gắn liền với truyền thống, tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại tỉnh Yên Bái.

Quế là mặt hàng có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Yên Bái đẩy mạnh xuất khẩu, không chỉ sang các thị trường truyền thống, mà còn có thể khai thác sang các thị trường mới với nhiều tiêu chuẩn cao hơn.

Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết, các doanh nghiệp trong ngành quế của Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), nỗ lực xuất khẩu quế của Yên Bái vẫn còn hạn chế.

Các doanh nghiệp và hợp tác xã thu mua, chế biến quế còn nhỏ lẻ. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc thu mua và bán lại cho các đơn vị xuất khẩu, thay vì tự xuất khẩu trực tiếp. Do đó, kim ngạch xuất khẩu quế của Yên Bái vẫn còn rất thấp. Mặc dù trong thời gian qua tỉnh thu về 12 triệu USD từ xuất khẩu quế, con số này không phản ánh hết thực trạng của ngành.


Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ. (Ảnh: Dân Việt).

Dưới góc độ chuyên gia ngành nông nghiệp, đánh giá những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp ngành quế trong quá trình tận dụng ưu đãi từ các FTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, Việt Nam chưa có một chiến lược quốc gia về phát triển bền vững ngành quế. Do vậy, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất để thu hút đầu tư. Chưa kể, vấn đề nguồn nhân lực cũng đang là thách thức đối với doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất ngành quế.

Trong khi đó, các hiệp hội ngành hàng chưa phát huy hết vai trò trong việc kết nối các thành viên, dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên chuyển đổi sản xuất, tận dụng ưu đãi từ các FTA để xuất khẩu. Cơ chế, chính sách pháp luật về ngành quế còn chưa hoàn thiện, đồng bộ.

"Đáng chú ý, hiện nay bà con sản xuất, xuất khẩu quế vẫn đang làm việc theo tinh thần “mạnh ai người ấy làm”, cho nên việc liên kết ngang, liên kết dọc trong sản xuất, xuất khẩu giữa người sản xuất - doanh nghiệp xuất khẩu - thị trường xuất khẩu là chưa có. Người sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu", chuyên gia nêu.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhìn nhận, tác động của các FTA, đặc biệt là EVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu và kể cả các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quế thì rất rõ.

Thương hiệu ngành quế, sản phẩm quế Việt Nam đã hiện diện ở các thị trường khó tính như châu Âu, Canada, Vương quốc Anh... Đây là điểm sáng tích cực. Nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu thô, giá trị xuất khẩu thô mang lại là rất ít vì vậy lợi nhuận đến tay người nông dân không được như mong muốn.

Những thách thức đối với người trồng quế liên quan đến vấn đề kỹ thuật, nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Người trồng quế cũng gặp khó về thông tin thị trường, đơn hàng cũng như những quy định, chính sách từ thị trường xuất khẩu...

Cần sớm xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA

Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đánh giá, nhờ có sự quan tâm của các Bộ, ngành, hiệp hội, Yên Bái đã có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như quế. Tuy nhiên, giá trị của các sản phẩm này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.

Yên Bái kiến nghị Bộ Công Thương sớm đệ trình Chính phủ về hệ sinh thái tận dụng FTA để có thể nhanh chóng triển khai tại địa phương.

"Trong quá trình triển khai, chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh, nhưng quan trọng là hệ sinh thái cần sớm đi vào vận hành để áp dụng và nâng cao giá trị của cây quế, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu", ông Chiến nói.


Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.

Đánh giá cao vai trò của hệ sinh thái, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một hệ sinh thái là vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ là diễn đàn liên kết các tác nhân trong chuỗi cung ứng mà còn giúp tăng giá trị sản phẩm. Hệ sinh thái này sẽ giúp gắn kết các cam kết của Nhà nước trong thương mại quốc tế với thực tế, và doanh nghiệp.

Do đó, việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương...

"Khi xây dựng mô hình này, kiến nghị Bộ Công Thương cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Cần có những doanh nghiệp đi đầu làm gương, giúp lan tỏa mô hình này đến nhiều doanh nghiệp khác, từ đó góp phần vào thành công của chính sách và hệ sinh thái mà Bộ Công Thương đang xây dựng", Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam kiến nghị.

Về phía doanh nghiệp, bà Liên khuyến nghị cần hiểu rõ thị trường và các cam kết của các FTA, trong đó bao gồm những quy định về thuế, về chất lượng trong EVFTA, UKVFTA... để thâm nhập vào thị trường.

Cùng đó, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường thế giới thông qua các chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế.

"Trong bất kỳ hệ sinh thái nào, thị trường nào, vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Doanh nghiệp là trung tâm trong mọi hệ sinh thái và thị trường. Họ cần có sự đồng hành từ người dân để phát triển bền vững. Việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái cần có sự hỗ trợ thực tế để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, hướng đến phát triển ngành hàng bền vững và thân thiện với môi trường, từ đó củng cố chuỗi giá trị và chuỗi cung cấp", bà Liên nhấn mạnh.

Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ, kế hoạch của Bộ Công Thương là phải xây dựng thành công mô hình, sau đó lấy ý kiến từ lãnh đạo các cấp, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, người dân... Các ngành hàng lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình hệ sinh thái FTA bao gồm da giày, dệt may, thủy sản, cà phê và quế.

Nếu được Chính phủ thông qua, sẽ ra quyết định thành lập một hệ sinh thái. Nếu thuận lợi, dự kiến tháng 9/2025 có thể bắt đầu triển khai vận hành thí điểm hệ sinh thái này.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm