Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao chủ hộ kinh doanh không muốn làm giám đốc

Khoảng 2 triệu hộ kinh doanh đủ điều kiện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nhưng không có nhiều chủ hộ muốn lập doanh nghiệp.

Tỉnh Cao Bằng muốn là nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh / Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch sáng tạo tại Hội An

Theo PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, chủ hộ kinh doanh không muốn “lên đời” vì họ chưa thấy được lợi ích của việc lập doanh nghiệp.
PGS-TS Đặng Văn Thanh

PGS-TS Đặng Văn Thanh.

Theo ông, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hay hộ kinh doanh có lợi hơn?

Chưa tính tới việc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018) đưa ra rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh cá thể như hỗ trợ tiếp cận tín dụng; được cơ quan, tổ chức hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý; được bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ về kế toán, thuế; mặt bằng sản xuất… hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ, kế toán, chỉ nộp thuế khi có thu nhập thì về lý thuyết bao giờ cũng có lợi hơn so với hoạt động theo mô hình hộ gia đình kinh doanh cá thể nộp thuế khoán.

Đơn cử, rất nhiều hộ gia đình kinh doanh đều có xe ô tô, đặc biệt là loại bán tải, vừa phục vụ kinh doanh, vừa phục vụ cho nhu cầu đi lại của gia đình, khi thành lập doanh nghiệp, xe ô tô đưa vào tài sản của doanh nghiệp nên chi phí đi lại phục vụ cho hoạt động kinh doanh hay sử dụng vào việc riêng, phục vụ cá nhân ông chủ và gia đình, người thân đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Xe ô tô là tài sản doanh nghiệp nên được tính khấu hao tài sản. Còn với hộ gia đình thì các khoản chi phí này không được tính, do đây là tài sản cá nhân. Với các loại tài sản khác cũng tương tự, khi đưa vào tài sản doanh nghiệp đều được tính chi phí sử dụng và chi phí khấu hao.

Doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế thu nhập, tức là chỉ có lãi (doanh thu trừ chi phí) mới phải nộp, còn cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán nên lỗ cũng phải nộp, thậm chí chủ hộ đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lý do nào đó như ma chay, cưới xin hay đi nghỉ mát, du lịch vẫn phải nộp thuế.

Rõ ràng, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp rất có lợi, nhưng vì sao, chủ hộ kinh doanh lại không muốn làm giám đốc doanh nghiệp, thưa ông?

 

Vì lý do rất đơn giản là hộ kinh doanh được nộp thuế khoán, còn doanh nghiệp nộp thuế căn cứ vào hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán.

Theo quy định (Thông tư 92/2015/TT-BTC) thì hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên (dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế) nộp thuế khoán 1,5% (tính trên doanh thu) đối với hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa; 7% đối với hoạt động dịch vụ; 4,5% đối với dịch vụ có gắn với hàng hóa và 3% đối với dịch vụ khác. Với các mức thuế khác nhau và có mức độ chênh lệch khá lớn, cộng thêm với việc lách thuế khá dễ dàng nên hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. Ví dụ hộ kinh doanh cung cấp dịch vụ phải chịu thuế suất 7%, nhưng nếu “gắn thêm hàng hóa” thì chỉ phải chịu thuế suất 4,5% hoặc “dịch vụ khác” thì chỉ phải chịu thuế suất 3%.

Ngoài ra là kê khai doanh thu rất khó kiểm soát. Ví dụ, người ta bán 200-300 bát phở mỗi ngày, có doanh thu 2-3 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ kê khai doanh thu bằng 20-30% thực tế, cơ quan thuế cũng khó có thể bắt bẻ được, vì cán bộ thuế không thể và cũng không có quyền ngồi ở quán của người ta để đếm xem người ta bán được bao nhiêu bát phở mỗi ngày. Như vậy, tính đi, tính lại thì kinh doanh theo hộ vẫn có lợi hơn là thành lập doanh nghiệp. Và đây là một trong những lý do không nhiều hộ kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp.

Vẫn còn nhiều lý do khác nữa, thưa ông?

Tôi có người quen mở quán cà phê, kinh doanh dưới dạng hộ gia đình, cá nhân, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua với rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nên rất háo hức thành lập doanh nghiệp để kinh doanh đàng hoàng, nhưng cuối cùng thì “vỡ mộng” ngay từ khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

 

Ngay khi đi đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước nghi ngờ doanh nghiệp không làm ăn đàng hoàng vì quán cà phê lúc nào cũng đông khách mà chỉ đăng ký có vài ba lao động thường xuyên. Vì họ không hiểu, kinh doanh ăn uống thì ngoài ông/bà chủ, chỉ cần 2-3 người thay ca để phụ trách việc kinh doanh. Những người này được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, còn những người phục vụ khác chủ yếu là thuê làm việc bán thời gian, làm việc theo giờ, mỗi ngày làm mấy tiếng, mỗi tuần làm việc mấy ngày, doanh nghiệp trả tiền công theo thời gian làm việc.

Do nghi ngờ doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng nên cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế sẽ gây phiền toái. Chưa kể, khi trở thành doanh nghiệp, dù hoạt động vẫn không khác gì trước đây, doanh nghiệp thường xuyên được, đúng ra là bị, đề nghị tham gia đóng góp, ủng hộ vào hết quỹ nọ đến quỹ kia của địa phương, đoàn thể.

Nhiều chủ hộ kinh doanh cho rằng, họ không muốn thành lập doanh nghiệp do phải thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán. Quan điểm của ông thế nào?

Doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp dựa vào thu nhập nên phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán mới xác định được doanh thu hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, chi phí, khấu hao, thu nhập… Tuyệt đại đa số doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp được thành lập từ hộ kinh doanh có quy mô siêu nhỏ, nếu đáp ứng đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, kế toán theo quy định thì ít doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu, hoặc phải thành lập bộ máy kế toán làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận, vì thế đây cũng là trở lực rất lớn đối với chủ hộ kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ hiện tại đã quy định khá đầy đủ về kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, cần phải phát hành Sổ tay kế toán áp dụng cho đối tượng này. Sổ tay kế toán cần quy định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực nào thì cần phải sử dụng chứng từ kế toán gì, báo cáo tài chính phải thể hiện nội dung gì, nhưng phải bảo đảm đơn giản nhất, miễn là phản ánh được đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản, đúng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu quản lý của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan thuế.

 

Doanh nghiệp siêu nhỏ, thậm chí doanh nghiệp nhỏ cũng không cần thành lập bộ máy kế toán, mà có thể thuê dịch vụ kế toán.

Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm