Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ 'mãi không lớn'?

Ngoài khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị, thị trường… các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) còn phải mất những chi phí 'không chính thức' và bị thanh kiểm tra nhiều lần một cách không cần thiết.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.

Tại hội thảo chuyên đề “Các trợ lực để doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Con số này được công bố hàng năm và hầu như không có sự thay đổi tích cực nào.

Doanh nghiệp nhỏ mãi vẫn nhỏ, số lượng doanh nghiệp từ quy mô nhỏ phát triển đến quy mô vừa vẫn rất ít, chưa kể nhiều doanh nghiệp đã “rơi rụng” sau vài năm phát triển.

Theo các chuyên gia, trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn thì phần lớn là doanh nghiệp trong ngành sản xuất. Những rào cản chính về nội lực như: vốn, kinh nghiệm, quản trị…hay về ngoại lực như: môi trường, chính sách…đang là lý do khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể phát triển mạnh trong thời gian qua.

Hội thảo chuyên đề “Các trợ lực để doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tại Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: Đ.V

Bà Trần Liên Phương - Giám đốc Công ty nghiên cứu InsightAsia - cho biết: Trong số các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó khăn về vốn được đặt lên cao nhất. Có đến 62% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó khăn về vốn, 60% gặp khó khăn về nguồn khách hàng và 45% gặp khó khăn về pháp lý.

“Doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn có môi trường sản xuất hiệu quả, ổn định, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và về lâu dài có thể sở hữu nhà xưởng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thực hiện được dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ.” - bà Phương nói.

Bà Trần Liên Phương, Giám đốc Công ty nghiên cứu InsightAsia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.V

Giám đốc Công ty nghiên cứu InsightAsia Bà Phương nhận định, những điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ cộng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới sẽ khiến các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn trong tương lai. Việc cần làm của khối doanh nghiệp SMEs là phải chủ động trước cơ hội lẫn thách thức, phải có chiến lược phù hợp để thích nghi và thay đổi.

Chia sẻ về vấn đề mặt bằng sản xuất, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kizuna - cho rằng: Hiện tại, mô hình khu công nghiệp truyền thống vốn rất khó để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận. Vì vậy, các công ty bất động sản khu công nghiệp cũng cần nghiên cứu mô hình khu công nghiệp kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo…

Cho rằng các khu công nghiệp cũng có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ và cần đồng hành cùng khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu, đầu tư nhà xưởng và suốt quá trình hoạt động sản xuất. “Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp SMEs vốn đang gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí.” - bà Hiếu nói.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch VCCI tại TPHCM. Ảnh: Đ.V

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM, muốn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới thì cần phải tháo gỡ những khó khăn về chính sách và pháp luật mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên, xác chính sách phải thật thiết thực, gần gũi với doanh nghiệp nhỏ, cụ thể như hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp.

Phó Chủ tịch cũng cho rằng cần phải cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp xóa bỏ các loại chi phí “không chính thức” mà họ đang phải gánh chịu như hiện nay, giảm bớt các cuộc thanh kiểm tra không cần thiết với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Đại Việt/Dân trí

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo