Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao Tôn Hoa Sen đạt doanh thu kỷ lục nhưng lợi nhuận chạm đáy?

Tập đoàn Hoa Sen vẫn khó tìm lại hào quang xưa, ngay cả khi doanh thu đạt kỷ lục thì lợi nhuận chạm đáy cũng đánh gục tăng trưởng của ông lớn ngành thép này.

HDBank được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất châu Á năm 2018 / Thị trường gọi xe công nghệ có 'ngon ăn'?

Thị trường thép ngày càng có nhiều rào cản, gây ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp trong ngành. Một trong những ông lớn từng báo lãi hàng trăm tỷ đồng như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ở 2 năm về trước đến nay “ngậm ngùi” với vài chục tỷ đồng. Thậm chí khi doanh thu đạt đến ngưỡng kỷ lục từ khi thành lập thì lợi nhuận vẫn chưa đạt được một nửa chỉ tiêu trong niên độ tài chính này.

Doanh thu đạt kỷ lục, lợi nhuận chạm đáy

Năm 2018 là năm khởi đầu nhiệm kỳ mới của HĐQT HSG, giới quan sát thấy HSG chú trọng vào công tác tái cấu trúc với hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh trung tâm cấp tỉnh.

Vi sao Ton Hoa Sen co doanh thu ky luc nhung loi nhuan cham day? hinh anh 1
Doanh thu của HSG đạt kỷ lục nhưng lợi nhuận đang chạm đáy

HSG cũng tập trung phát triển thị trường nội địa thông qua việc mở rộng, phát triển nhanh hệ thống phân phối bán lẻ, dự kiến đạt 500 chi nhánh đến cuối năm 2018. Tập đoàn thép này cũng có tham vọng đến năm 2020, đạt từ 1.000-1.200 chi nhánh/cửa hàng bán lẻ.

Ngoài ra, HSG cũng thúc đẩy hoàn thiện dự án nhà máy Hoa Sen Nghệ An, dự án nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định...Các hoạt động chuyển đổi này đang giúp cho HSG đạt được doanh thu kỷ lục kể từ khi thánh lập. Dù doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh, lãi ròng lại có xu hướng đi xuống thời gian qua.

Có thể thấy ngay trong báo cáo quý III/2018, hai chỉ số doanh thu và lợi nhuận đang giằng co quyết liệt và chạy về hai hướng khác nhau. Cụ thể với doanh thu HSG đạt hơn 10.000 tỷ đồng lập kỷ lục từ khi thành lập. Nhưng nhìn sang chỉ số lợi nhuận với con số thu về ngày một teo tóp, rơi vào mức thấp nhất trong 5 năm qua khi báo lãi chưa tới 83 tỷ đồng.

Không chỉ riêng quý III/2018, kết quả kinh doanh của HSG nhiều quý gần đây cũng đã sụt giảm đáng kể trước áp lực giá vốn và lãi vay tăng vọt đã “ăn mòn” lợi nhuận. Về giá vốn, khi giá nguyên liệu đầu vào là HRC tăng mạnh sẽ khiến biên lãi gộp của HSG sụt giảm.

Trước đó, dự báo được thị trường ngành thép sẽ có những diễn biến phức tạp trong năm 2018 nên HSG đã đặt kế hoạch kinh doanh cho niên độ tài chính 2017-2018 một cách thận trọng. Chỉ tiêu về sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần tăng trưởng 15%, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch chỉ tăng 1% so với niên độ 2016-2017.

 

Vi sao Ton Hoa Sen co doanh thu ky luc nhung loi nhuan cham day? hinh anh 2

Cụ thể, mục tiêu của HSG đạt 30.000 tỷ đồng doanh thu thuần trong niên độ tài chính 2017-2018, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng ở mức 1.350 tỷ đồng, sản lượng phấn đấu đến năm 2020 đạt 5.000 tấn/tháng.

Nhìn vào kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm của HSG, kế hoạch trên khó mà hoàn thành khi đến nay dù thực hiện được 86% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ mới 38% chỉ tiêu lợi nhuận.

HSG có chủ động được với khối nợ khổng lồ?

Với con số doanh thu tăng nhanh mà không có lợi nhuận, hoạt động đầu tư được đẩy mạnh trong quý vừa rồi có thể nhận thấy chi phí tài chính của HSG và nợ vay đang gây áp lực lớn lên tăng trưởng của ông lớn ngành thép này. Gánh nặng tài chính của HSG ngày càng tăng lên khi nợ phải trả tăng dần đều qua các năm.

Tính đến quý III/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%. Hiện, HSG đang vay tại 16 ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước, trong đó có 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là BIDV, Vietcombank, VietinBank lần lượt đều cho vay đến con số vài nghìn tỷ đồng.

Dù HSG đã tất toán 8 khoản nợ tại 5 ngân hàng, giá trị các khoản vay ngắn hạn lại tăng lên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hoa Sen vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần. Hiện VietinBank là chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của công ty với tổng giá trị vay nợ hơn 8.284 tỷ đồng tại 5 chi nhánh. Hầu hết khoản vay đều có tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, hàng tồn kho… Còn tại Vietcombank đang cho HSG vay tại 3 chi nhánh với số tiền lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

 

Vi sao Ton Hoa Sen co doanh thu ky luc nhung loi nhuan cham day? hinh anh 3

Cũng trong niên độ này, Hoa Sen phát sinh 6 khoản vay mới, trong đó khoản vay 1.120 tỷ đồng của BIDV có giá trị lớn nhất.

Tuy nhiên bức tranh hiện nay vẫn chưa rõ ràng, nợ vay tăng, áp lực cạnh tranh lớn, cổ đông nội bộ thoái vốn... chỉ là một mặt của vấn đề; mặt còn lại là doanh số HSG vẫn tăng, hệ thống phân phối dần phủ sóng dày đặc, chưa kể phía lãnh đạo quyết tâm đến cùng với dự án Cà Ná.

Như vậy, tình hình hiện tại cũng có thể là cơn bĩ cực của ông vua tôn Việt, cũng có thể là bài toán đổi ngắn hạn lấy dài hạn ở góc độ nào đó HSG vẫn ở thế chủ động.

Nghi ngờ chuyển giá với những giao dịch bất thường

Không chỉ kết quả kinh doanh lao dốc, cổ phiếu HSG cũng đổ đèo một cách đáng ngờ, rơi về vùng mệnh giá 10.000 đồng/cp, ghi nhận giảm gần 80% so với mức đỉnh 52,100 đồng/cp vào cuối tháng 5/2017.

Cũng có một vài ý kiến đề cập đến các giao dịch của HSG với Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (HSIT). Hiện HSIT đang nắm 20,25% cổ phần của HSG và ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị HSIT.

 

Thuyết minh báo cáo tài chính các quý trước cho thấy, giao dịch giữa HSG và HSIT tăng đột biến trong niên độ 2016 - 2017, về cả hai phía mua và bán (HSG bán cho HSIT giá trị tổng cộng trên 4.000 tỷ đồng, nhưng không có thông tin về giá bán và HSIT mua lại từ HSG giá trị xấp xỉ 3.000 tỷ đồng), đồng thời khoản phải thu từ HSIT tăng đột biến lên 390 tỷ đồng, từ mức 27 tỷ đồng đầu niên độ. Điều này dẫn đến nghi vấn “chuyển giá” giữa HSG và HSIT, cụ thể là vấn đề thuế và việc rút dòng tiền, chuyển lợi nhuận ra khỏi HSG.

Vi sao Ton Hoa Sen co doanh thu ky luc nhung loi nhuan cham day? hinh anh 4
Các giao dịch bất thường của vợ chồng đại gia Lê Phước vũ đang đặt ra nhiều nghi vấn.

Mới đây, bà Hoàng Thị Xuân Hương, em gái ông Hoàng Đức Huy, Phó tổng giám đốc Hoa Sen, đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu HSG. Bà Hương cũng chính là vợ cũ của đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.

Thời điểm bà Hương mua vào, thị giá cổ phiếu HSG dao động trong khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu, tương đương bà đã phải chi ra khoảng 55 tỷ đồng cho đợt mua gom cổ phiếu lần này.

Đặc biệt, chính bà Hương trước đó đã bán hết toàn bộ số cổ phiếu HSG mà mình nắm giữ từ cuối năm 2015. Tại thời điểm bà Hương bán ra, giá mỗi cổ phiếu HSG lên tới xấp xỉ 50.000 đồng, cao gấp 5 lần giá vị này vừa mua vào. Tuy nhiên, thời điểm này vốn điều lệ của Hoa Sen thấp hơn rất nhiều hiện tại và cổ phiếu doanh nghiệp vẫn chưa bị pha loãng.

Trong thời gian qua HSG không hề có bất kỳ giải trình hay động thái gì mặc cho dư luận đặt nghi vấn gặp khó. Lần cuối cùng tiếp xúc trực tiếp với cổ đông, nhà đầu tư là Đại hội cổ đông thường niên 2018, Chủ tịch Lê Phước Vũ vẫn nói rằng HSG đang ở đỉnh cao nội lực, nợ vay hay hàng tồn là chiến lược để HSG thực hiện hoá mục tiêu khép kín chuỗi giá trị, gia tăng kênh phân phối.

 

Theo news.zing.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm