Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu thủy sản sang EU: Vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô, ít hàng giá trị cao

DNVN - Hiện nay thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vẫn chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, hàng có giá trị cao còn ít nên chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan của EVFTA mang lại.

Doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá tại Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng 2022 / Lợi thế của bộ đôi Mazda CX-3 & CX-30 trong phân khúc SUV đô thị tầm 900 triệu đồng

Thị trường hàng đầu
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam - EU 2022 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/4, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, trong nhiều năm qua, EU luôn được biết đến là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Tài cho biết, EU là 1 trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam.
Sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76%. Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu tôm sang EU đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang ba thị trường đơn lẻ chính trong EU là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 77%, 59% và 82%.
Nhấn mạnh cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bắc Âu và EU, bà Nguyễn Thị Hoằng Thúy - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Nauy, Latvia) cho rằng DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể tận dụng nhiều cơ hội liên quan đến hiệp định EVFTA, Brexit, và xung đột Nga - Ukraine.
Với EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các quốc gia khác.
Liên quan tới Brexit, có thể thấy Vương quốc Anh là 1 trong 7 nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của EU nhưng cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 8 trong khu vực trong những năm gần đây với giá trị nhập khẩu tăng từ 4 lên 4,5 tỷ USD trong 5 năm. Xuất khẩu thủy sản Anh cũng tăng từ 2 đến 2,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nội khối EU trước đây thường chiếm khoảng 70 - 80%.
"Hiện nay các nước EU và Anh đang cố gắng đi đến thỏa thuận hợp lý về nghề cá. Nhưng để đi đến thống nhất cũng là vấn đề nhạy cảm, cần thời gian và không dễ dàng gì. Do đó, nếu EU và Anh không đạt được thỏa thuận hợp tác hợp lý thì thương mại giữa Anh và EU sẽ gặp khó khăn hơn. Trong khi sản lượng khai thác của EU có thể giảm mạnh, khi đó EU có nhu cầu NK thủy sản từ các nước ngoài EU. Đây sẽ là cơ hội cho các DN Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu thủy sản khác", bà Thúy nhận định.
Thêm vào đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng là cơ hội cho các DN Việt Nam. Nga là nước sản xuất và xuất khẩu cá thịt trắng đứng đầu thế giới. Cá trắng được tiêu thụ rất nhiều ở EU. Cuộc xung đột hiện nay đã khiến nhiều nước, trong đó có EU cấm vận thương mại, làm gián đoạn xuất khẩu thủy sản Nga vào EU.
"Đây là cơ hội cho cá tra Việt Nam, thay thế một phần nhu cầu nhập khẩu cá trắng của EU, trong đó cơ hội tăng thị phần tại Bắc Âu cũng khá cao", bà Thúy đánh giá.
Nhiều quy định khắt khe
Bên cạnh cơ hội, bà Thúy cho rằng, các DN xuất khẩu thủy sản vào Bắc Âu đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù EVFTA có hiệu lực giúp cho thủy sản có thêm lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường Bắc Âu nhỏ, lại chủ yếu nhập khẩu từ các nước xung quanh. Do đó, thủy sản Việt Nam khó có cơ hội tăng kim ngạch hoặc tăng không đáng kể. Ngoài ra, thị trường Bắc Âu là thị trường khó tính với những quy định khắt khe cũng gây khó khăn cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Thách thức thứ 2 là chưa tận dụng hết cơ hội do EVFTA mang lại. Hiện nay thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vẫn chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, hàng có giá trị cao còn ít nên chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan của EVFTA mang lại.

Theo bà Thúy, DN xuất khẩu thủy sang EU đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ 3 là đứt gãy chuỗi cung cầu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các DN thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đơn hàng bị hủy, chậm do thiếu nguyên liệu.
Ngoài dịch bệnh, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đang làm đứt gãy chuỗi cung cầu ảnh hưởng đến hoạt đầu hậu cần và vận chuyển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Bắc Âu.
Đặc biệt, thẻ vàng liên quan đến quy định của EU về ngăn chặn nạn đánh bắt cá hợp pháp không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) là thách thức rất lớn với Việt Nam. Quy định này có tác động tiêu cực đến quản lý bền vững nguồn cá toàn cầu và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những loài được đánh bắt hợp pháp và có trách nhiệm.
Do vậy, các sản phẩm đánh bắt tự nhiên cần được kèm theo giấy chứng nhận khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận khai thác phải có chứa đầy đủ các thông tin quy định theo mẫu ghi trong luật của EU.
Bà Thúy cho rằng, các DN xuất khẩu thủy sản cần lưu ý các cơ hội cũng như thách thức, đồng thời tìm hiểu về xu hướng thị trường để nắm bắt cơ hội. Không chỉ thị trường Bắc Âu mà ngay cả các nước Châu Âu khác, một số xu hướng thị trường hiện nay là thị trường các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn đang tăng rất nhanh. Trong các siêu thị ở Bắc Âu ngày càng có nhiều nguồn cung cấp các sản phẩm này. Các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn được nhập từ sản phẩm thô, sau đó được gia tăng giá trị bởi các công ty chế biến thực phẩm tại địa phương.
"Đây sẽ là cơ hội cho các DN xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho các bên chế biến sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho thị trường", bà Thúy nói.
Ngoài ra có các xu hướng khác như người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm tốt cho sức khỏe, gắn sản phẩm thực phẩm với các sản phẩm hữu cơ, nhu cầu về thủy sản bền vững ngày càng tăng...
Về quy định nhập khẩu thủy sản, cần nhớ các quy định bắt buộc của EU. Theo đó phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn, thủy sản phải có nguồn gốc hợp pháp.
"Tất cả các quy định của EU cũng như ở Bắc Âu đều dựa trên cơ sở nhằm đảm bảo niềm tin và sự an toàn của người tiêu dùng để làm sao người tiêu dùng không bị đánh lừa bởi bất cứ sản phẩm hoặc thông tin trên bao bì nào", bà Thúy nói.
Ngoài ra, các sản phẩm đánh bắt tự nhiên cần được kèm theo giấy chứng nhận khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận khai thác phải có chứa đầy đủ các thông tin quy định theo mẫu ghi trong luật của EU.
Ngoài việc khuyến nghị các DN xuất khẩu thủy sản cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường, đáp ứng các yêu cầu bổ sung, dán nhãn với thông tin chính xác, bà Thúy gợi ý các DN nên xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm để tăng người dùng, nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng, từ đó tăng lợi nhuận cho DN.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm