Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Hoàng Đức Bằng: Đặt cược với công nghệ 3D

Với ông Hoàng Đức Bằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và giáo dục Tân Tiến (AIE), kế hoạch đáng để tâm nhất hiện tại là “phổ cập công nghệ in 3D” tới các doanh nghiệp Việt Nam, vì đó là xu thế.

Hy vọng ngày đẹp giời của... công nghệ 3D

Trong không gian được sơn màu xanh biển, khung cửa xanh mở rộng tầm nhìn ra mặt hồ Xã Đàn (Hà Nội), ông Hoàng Đức Bằng kiên nhẫn giải thích từng thuật ngữ trong các giải pháp công nghệ 3D tổng thể mà ông đang cung cấp.

Với những người ngoại đạo, không thể hình dung nổi, sản phẩm của chiếc máy in trông bên ngoài không có gì... bất thường lại là những sản phẩm thật với những chi tiết phức tạp, có tính liên kết động, có thể cầm trên tay, quan sát và thậm chí có thể sử dụng lắp ráp được ngay...

Doanh nhân Hoàng Đức Bằng.

Nhưng ông Bằng có vẻ đã quen với những cuộc trao đổi kiểu... IT này, cũng không lạ lẫm gì với mong muốn có một phiên bản in 3D cơ thể ngay tại chỗ.

“Nhiều năm nay, tôi vẫn đi giới thiệu các giải pháp này với các doanh nghiệp Việt Nam, làm thử để cho họ xem. Ai cũng hứng thú, tò mò, giống như tôi”, ông trấn an.

Ông đã làm việc truyền bá kiến thức, thông tin về các giải pháp công nghệ 3D hơn 10 năm, kể từ khi chính thức thành lập AIE vào năm 2005 – công ty đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực này, với tham vọng phổ cập công nghệ 3D hàng đầu thế giới về Việt Nam. Ông cũng quen với những hào hứng ban đầu của doanh nghiệp Việt khi mới nhìn thấy sự kỳ diệu của công nghệ mới, với cả sự thờ ơ sau đó vì... giá.

Theo quy trình thông thường, một doanh nghiệp có thể mất cả tháng cho việc lên ý tưởng, thiết kế mẫu, sản xuất thử và lên quy trình sản xuất đại trà. Nhưng với các giải pháp 3D, doanh nghiệp có thể chỉ mất vài ngày cho cả giai đoạn từ ý tưởng đến sản phẩm mẫu cầm tay. Lợi ích về chi phí, cả tiền bạc và thời gian rất rõ, hơn thế là sự linh hoạt trong thiết kế, kiểm soát mẫu thiết kế và sản phẩm sản xuất thử...

Đặc biệt, với các doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu dùng trong công nghiệp, việc lập quy trình sản xuất cho từng mẫu sẽ thuận lợi và chính xác với các giải pháp kiểm tra mẫu sản xuất thử và bản thiết kế qua các phần mềm đo quét số hóa 3D... Việc phát triển khâu đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp – điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt, có thể được giải rất nhanh nhờ giải pháp tổng thể 3D.

 

Nhưng, thế khó của ông Bằng trong vai trò phát triển thị trường ở chỗ, ông chọn cách hợp tác lâu dài và bền chặt với hai hãng đại diện hàng đầu về công nghệ đo 3D (GOM - Đức) và in 3D (Stratasys - Mỹ), là đối tác phân phối sản phẩm của họ, nên giá cả thường rất cao.

“Cũng có doanh nghiệp dùng thử, thấy thích, nhưng để bỏ ra vài tỷ đồng đầu tư 1 chiếc máy cho R&D thì họ chưa muốn, vì lo không tận dụng hết các lợi ích vì không có người sử dụng, sợ hỏng. Tôi thực sự tiếc vì với công nghệ này, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi hiệu suất làm việc rất cao, nên tôi quyết định thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ 3D”, ông Bằng chia sẻ.

Vậy là doanh nghiệp nào cần thiết kế 3D, in 3D, đo quét số hóa 3D, kiểm tra 3D, đào tạo và chuyển giao công nghệ 3D chuyên nghiệp đều có thể đến Trung tâm này, để một ngày đẹp giời nào đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành khách hàng của AIE...

Chiến lược đại dương xanh

Trong Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World 2017, do Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức tháng 12/2017 vừa rồi, gian hàng của AIE bắt mắt với những sản phẩm đặc biệt được in từ máy in 3D.

 

Nhưng, AIE là doanh nghiệp tư nhân Việt duy nhất tham gia lĩnh vực này tại Triễn lãm. “AIE vẫn thường xuyên đi một mình như vậy tới các Triển lãm hàng đầu thế giới trong công nghệ 3D, từ nhiều năm nay”, ông Bằng kể.

Ông Bằng thừa hiểu, cho dù có trong tay các đối tác tầm cỡ, nhưng ông vẫn là con chim sẻ nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng toàn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng ông vẫn quyết chọn cách chơi với người khổng lồ. Trong đó, phải kể tới Stratasys (Mỹ) đã vượt lên thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong những lĩnh vực máy in 3D, sở hữu bằng sáng chế tạo hình sản phẩm nhờ nấu chảy vật liệu rồi xếp đặt chồng lớp, chìa khóa công nghệ cơ bản của các máy sản xuất đắp dần được tiêu thụ trên thị trường hiện nay.

Lý lẽ khá đơn giản là, những người số 1 sẽ khiến ông phải chạy liên tục, phải nỗ lực liên tục, nhưng đổi lại, ông sẽ luôn được cập nhật công nghệ hàng đầu... Tháng 11 vừa rồi, trong hội nghị khách hàng tổ chức tại Đức, ông đã được chứng kiến các bước nhảy vọt về công nghệ in 3D, khi có thể in các mẫu bằng kim loại với độ tinh xảo rất cao.

Nếu chọn đi cùng với những người số 1, họ sẽ khiến bạn phải chạy liên tục, phải nỗ lực liên tục. Nhưng đổi lại, bạn sẽ luôn cùng đi đầu...

“Tôi gọi đây là chiến lược đại dương xanh, bơi ra xa, đánh bắt xa bờ để nước trong hơn, ít phải cạnh tranh hơn, dù vốn đầu tư lớn và rủi ro cao hơn”, ông Bằng tâm sự và lý giải màu xanh được lựa chọn cho không gian làm việc của AIE.

Nhưng thực ra, thách thức ở nơi xa bờ không hề nhỏ. Thậm chí, cách chơi này là lý do mà ông đã không thể đi cùng với những người bạn trong lần thành lập công ty chuyên về máy tính vào đầu những năm 2000, khi cách đi của họ lậm vào... đại dương đỏ, nghĩa là cạnh tranh triệt tiêu nhau về giá, về cách làm tận dụng quan hệ. Bản thân ông khi mới mở AIE cũng có mảng hoạt động cung cấp thiết bị cho các trường học, nhưng rồi cũng bỏ dần... vì khó chen chân vào các mối quan hệ...

 

Ông Bằng vốn là giảng viên Đại học Thủy lợi, nhưng kinh doanh khá sớm, theo kiểu chân trong, chân ngoài, sau khi có cơ hội tiếp cận với công nghệ, máy tính sau khóa đào tạo thạc sỹ tại Viện Công nghệ châu Á - AIT (Thái Lan) năm 1995. Chính thời gian “chân trong, chân ngoài” đã dạy ông học bài học về nguyên tắc làm thật trong mọi việc. Nguyên tắc này cũng được ông ứng dụng trong dạy sinh viên, vì nếu không làm thật, không bắt vào làm thực sự thì không thể biết đúng, hay sai.

Ngay việc tiếp cận với công nghệ in 3D cũng vậy, nếu không làm thật, không hết sức với niềm đam mê, không thể đến đích. Vì thời điểm ông biết đến công nghệ in 3D, vào năm 1995, thì làn sóng sản xuất thương mại đầu tiên trên thế giới mới bắt đầu, sau khi chiếc máy in đầu tiên được kỹ sư vật lý Chuck Hull người Mỹ  đặt nền móng cho công nghệ sản xuất máy in 3D đầu tiên vào năm 1986. Nhưng sự nghi ngại về khả năng thương mại hóa công nghệ này vẫn lớn, do đầu tư lớn, khả năng ứng dụng khó khăn...

“Cơ sở tôi tin vào cơ hội của công nghệ 3D là xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi các giới hạn về công nghệ dần được tháo gỡ. Như hồi những năm 90, dung lượng của đĩa in máy tính chỉ vài chục byte, hiện giờ là tính theo gigabyte”, ông nói

Nhưng, phải đến năm 2003, ông mới chính thức trở thành người đầu tiên đưa công nghệ in 3D về Việt Nam, vì thủ tục vô cùng khó khăn. Những chiếc máy in 3D đầu tiên nhập về Việt Nam phải đi xin giấy phép của cơ quan công an, văn hóa vì được xếp cùng mã hàng với máy in chữ trên giấy, làm thủ tục cho loại mực in là... bột, nhựa...

Tất nhiên, “chiến lược đại dương xanh” và nguyên tắc làm thật có vẻ khiến ông đi chậm hơn các bạn cùng bắt đầu kinh doanh khá xa, thậm chí chậm hơn cả những người đi sau ông trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ 3D tại Việt Nam, cũng bắt đầu nhiều lên.

 

Nhưng ông nói, đó là chìa khóa để chơi được với những người khổng lồ trong sáng tạo công nghệ 3D và cả những khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Nếu không đủ sức làm thật, không đủ năng lực vận hành các loại công nghệ mới thì không thể tạo ra thị trường cho chính mình được, vì các doanh nghiệp Việt cũng đã đến lúc phải làm thật, cạnh tranh thật bằng chính năng lực của mình. Thời đại công nghệ số không thể làm giả ăn thật được nữa”, ông nói.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo