Doanh nhân Việt đang hoạt động khắp nơi ở Nga
Theo ông Sơn, trong những năm gần đây, các hội viên của Hiệp hội rút dần khỏi phong cách kinh doanh chợ và chuyển sang tham gia nghiêm túc những dự án kinh tế rất đa dạng.
Theo vị này, có thể bắt gặp các công ty do người Việt thành lập hoặc góp vốn đầu tư ở nhiều vùng khác nhau của Nga, đặc biệt tại các thành phố và khu vực năng động như Moskva, Vladimir, Krasnodar, Volgograd, Ekaterinburg. Hiện sản xuất dệt may và giày dép là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của các doanh nhân tại Nga.
Lấy dẫn chứng, ông Sơn cho biết, công ty Minton có khoảng 300 mặt hàng các loại. Ở Volgograd, doanh thu của cơ sở nông nghiệp do ông Dương Hải An làm chủ đạt khoảng 6-7 triệu USD/năm. Công ty Rolton chuyên về các sản phẩm chế biến ăn liền. Đặc biệt, với sự tham gia của Hiệp hội, công ty sữa TH đang xây dựng chuồng trại tại Moskva và tỉnh Kaluga với mục tiêu sản xuất các sản phẩm từ sữa.
Khắp nước Nga ngày càng xuất hiện nhiều mặt hàng và thực phẩm từ Việt Nam, kể cả những sản phẩm mà trước đây người tiêu dùng Nga chỉ được nghe nói tới. Giá cả cũng phù hợp với ví tiền của người tiêu dùng bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU bắt đầu có hiệu lực cách đây 5 tháng tạo điều kiện cho đại đa số các mặt hàng của Việt Nam được giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu vào Nga.
Theo VTV, mới đây, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga cũng vừa tổ chức gặp mặt đầu xuân Đinh Dậu 2017.
Tại cuộc gặp, ông Lê Trường Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh nước Nga bị bao vây cấm vận về kinh tế, đồng Ruble mất giá, các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga cũng chịu những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, Hội vẫn không ngừng củng cố vị thế cũng như thị phần của doanh nghiệp đang hoạt động ở Nga, tìm ra những cơ hội để cùng nhau vượt qua và trụ vững.
Nhân dịp này, Hiệp hội đã tiến hành buổi tọa đàm với chủ đề: Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga - chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác cùng phát triển". Các doanh nghiệp đã chia sẻ những thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình, những kinh nghiệm trong việc khắc phục khó khăn duy trì kinh doanh sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động, tháo gỡ những vướng mắc trong bối cảnh nước Nga siết chặt quản lý lao động nhập cư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo