Hỗ trợ doanh nghiệp

Giám sát hiệu quả sản xuất kinh doanh các tập đoàn Nhà nước

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp phải quán triệt chủ đề hành động của năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, coi đây là trọng tâm hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương chỉ đạo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự án luật đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 3 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Các Bộ, ngành, nhất là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công Thương, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để chủ động có phương án, đối sách phù hợp, kịp thời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ kinh tế vĩ mô chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực và của cả nền kinh tế, cập nhật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng cuối của mỗi quý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình tiền tệ thế giới và trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, trong đó tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động xây dựng phương án, kịch bản, lộ trình điều chỉnh giá một cách chặt chẽ theo cơ chế thị trường một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, địa phương khẩn trương rà soát phương án phân bổ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: danh mục dự án các Bộ, ngành trung ương, địa phương đề xuất kéo dài kế hoạch đầu tư công năm 2016 sang năm 2017; giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn lại trước ngày 15 tháng 3 năm 2017. Khẩn trương phối hợp với các Bộ chủ quản các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng chương trình mục tiêu trong tháng 3 năm 2017.

 

Các Bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017; theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân, kịp thời phát hiện, xử lý khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. Nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để trình Chính phủ ban hành.

Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước, chống chuyển giá, trốn thuế, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. Thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bộ Công Thương rà soát, có giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch khai thác dầu khí năm 2017 phù hợp với diễn biến thị trường. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, chính sách và giá điện mặt trời và giá điện gió (điều chỉnh). Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Tích cực thực hiện các biện pháp kích cầu, phát triển hệ thống thương mại bán lẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá tổng thể chính sách thương mại biên giới, đề xuất giải pháp bảo vệ thị trường trong nước và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phối hợp với Ban Chỉ đạo tập trung xử lý, giải quyết căn bản các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện có hiệu quả các cam kết FTA đã ký kết và thúc đẩy các FTA đang đàm phán, trong đó có đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nên đọc
Công Danh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo