Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bất ngờ với “mỏ vàng” tại hãng hàng không của tỷ phú Phương Thảo

Gọi là “doanh thu phụ trợ vận chuyển hàng không” nhưng đây lại là yếu tố mang lại nguồn tiền không hề nhỏ - có thể coi là “mỏ vàng” của các hãng hàng không, trong đó có Vietjet Air.

Làm thế nào tỷ phú hàng đầu như Warren Buffett đóng mức thuế còn thấp hơn cả thư ký của ông? / Hồ sơ cựu CEO Vingroup vừa đầu quân về Sunshine Group: Từng là một trong 20 nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017

Cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air) hôm qua (19/9) điều chỉnh giảm nhẹ phiên thứ 3, mất 200 đồng (khoảng 0,1%) xuống còn 139.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, từ phiên 9/9 đến phiên 16/9, mã tăng tăng giá liên tục từ 130.400 đồng lên 140.500 đồng.

Với diễn biến tăng giá tích cực của VJC , mới đây VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) cho biết, trong tháng 8/2019, quỹ này đã hoàn tất thoái vốn khỏi Vietjet Air.

VOF đã đầu tư khoảng 20 triệu USD vào VJC trong đợt IPO vào tháng 12/2016 và sau đó đã mua thêm lượng cổ phiếu VJC trị giá 18 triệu USD. Khi thoái vốn VJC, quỹ này thu về khoảng 80 triệu USD từ tiền bán cổ phiếu và cổ tức nhận về. Tỷ suất IRR (hoàn vốn nội bộ) cho thương vụ đầu tư VJC ở mức 86%, ghi nhận một thương vụ thoái vốn thành công của VOF.

Cổ phiếu VJC cũng đang có động lực tăng trưởng do tính chất ngành hàng không tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn và cạnh tranh cao. Báo cáo tài chính soát xét bán niên của Vietjet Air cho thấy, doanh thu phụ trợ vận chuyển hàng không của hãng này đạt 5.429 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 27% trong tổng doanh thu vận tải hàng không. Với tỷ lệ nói trên, Vietjet giữ vị trí thứ 12 thế giới về doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu vận tải hàng không.

CEO của Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán

CEO của Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán

Diễn biến chật vật trong phiên giao dịch hôm qua, song các chỉ số cũng đã đạt được trạng thái tăng: VN-Index hồi phục ấn tượng cuối phiên, tăng 1,95 điểm tương ứng 0,2% lên 997,1 điểm còn HNX-Index tăng 1,75 điểm tương ứng 1,71% lên 104,04 điểm.

Mặc dù vậy, không có sự chênh lệch giữa số lượng mã tăng - giảm trên quy mô toàn thị trường. Thống kê cho thấy có 294 mã giảm giá, 27 mã giảm sàn so với 288 mã tăng và 34 mã tăng trần.

Mức tăng của VN-Index được hỗ trợ đáng kể bởi một số mã ngân hàng như VCB, CTG, TCB, VPB… Trong đó, VCB đóng góp gần 0,99 điểm cho chỉ số chính. Chiều ngược lại, VIC, BID, MSN lại giảm và phần nào ảnh hưởng đến diễn biến chỉ số.

Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu ngân hàng cũng đóng vai trò “công thần”. Riêng ACB góp vào tới 1,14 điểm cho HNX-Index và SHB đóng góp 0,32 điểm.

Thanh khoản hôm qua có sự cải thiện, đặc biệt là tại sàn Hà Nội. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 186,92 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch hơn 3,902 tỷ đồng. Con số này trên sàn HNX là hơn 24 triệu cổ phiếu tương ứng 338,75 tỷ đồng. Mã được giao dịch mạnh nhất là ROS với khối lượng giao dịch hơn 19,1 triệu cổ phiếu.

 

BVSC cho rằng, sau những tín hiệu hồi phục vào cuối phiên hôm qua, VN-Index dự báo sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1000-1005 điểm trong phiên cuối tuần. Tại vùng điểm này, nhóm phân tích để ngỏ khả năng thị trường có thể chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh ngắn trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm ngắn hạn.

Ngày hôm nay cũng là ngày cuối cùng để hai quỹ VNM ETFs và FTSE ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục quý 3. Do vậy, các cổ phiếu lớn trong danh mục có thể sẽ có biến động mạnh, nhất là trong phiên ATC.

Nhà đầu tư nhìn chung vẫn chờ đợi kết quả review xếp hạng quốc gia của FTSE được dự kiến công bố vào ngày 26/9 theo giờ địa phương. Hiện tại khả năng Việt Nam được nâng hạng trong kỳ này là không cao nhưng nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì nhiều khả năng thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ từ yếu tố tâm lý lẫn dòng tiền, do đó VN-Index có thể sẽ tăng điểm mạnh và hướng tới vùng kháng cự xung quanh 1050 điểm trong thời gian tới.

Chiến lược đầu tư được nhóm phân tích BVSC đưa ra là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu. -Nếu VN-Index xuyên phá qua mốc 1005 thành công đi kèm với khối lượng gia tăng, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua mới để nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Theo Mai Chi/Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm