Doanh nghiệp - Doanh nhân

“Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì

Anthony từng bị coi là đứa trẻ hư hỏng, kỳ quái nhưng ông đã bước ra từ cái bóng của cha, đưa công ty gia đình trở thành cái tên thành công bậc nhất trong ngành tái chế, sản xuất bao bì. Gia đình Pratt cũng nổi tiếng với quỹ từ thiện của mình, là nguồn tài trợ lớn nhất nước Úc.

Ngôi làng tỷ phú xa hoa không tưởng ở Mỹ / Hợp tác giữa bầu Đức với tỷ phú Trần Bá Dương lên một tầm cao mới

Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan hay Warrren Buffett và Bill Gates đều đã tuyên bố trao phần lớn khối tài sản khổng lồ đang sở hữu cho các dự án thiện nguyện. Còn Charles Francis Feeney – "Jame Bond của giới từ thiện", khi được hỏi vì sao lại cho đi tất cả 8 tỷ USD tài sản, ông nhẹ nhàng nói: "Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi!"

Đối với nhiều triệu phú hay tỷ phú, cuộc sống không chỉ đơn thuần là làm giàu cho bản thân mà còn là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu Series bài viết Những người hùng từ thiện. Họ là những tỷ phú đã và đang cho đi khối tài sản khổng lồ với sứ mệnh đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế giới.

Dưới đây là câu chuyện của "tỷ phú tái chế", người đang điều hành Visy Industries, công ty sản xuất bao bì tái chế lớn nhất thế giới và cũng đóng góp tích cực cho hoạt động từ thiện.

Visy Industries

Visy Industries, còn được gọi là Pratt Industries tại Mỹ, là nhà sản xuất bao bì và giấy thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất thế giới. Công ty sử dụng hơn 9.000 lao động ở Úc và Hoa Kỳ, tổng doanh thu vượt ngưỡng 5 tỷ USD.Visy được thành lập năm 1948 tại Melbourne (Úc) bởi Leon Pratt.

Sau khi qua đời năm 1969, người con trai là Richard Pratt lên tiếp quản công ty. Dưới thời của Richard, trong suốt những năm 1970, Visy đã thành lập các nhà máy mới ở New South Wales và Queensland. Đến cuối thập kỷ này, họ tạo ra hơn 100.000 tấn hộp mỗi năm. Đầu thập niên 80, Visy tiếp tục nổi lên và đi đầu trong phong trào tái chế ở Úc khi xây dựng các nhà máy giấy tái chế 100%, lần đầu tiên tại Nông trại Warwick, Sydney.

“Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì, anh hùng từ thiện của nước Úc - Ảnh 1.

Visy là cái tên đi đầu trong phong trào sản xuất bao bì tái chế ở Úc.

Đến năm 1990, Visy chiếm 40% thị phần quốc gia, sử dụng hơn 2.000 lao động. Năm 1988, Anthony Pratt, con trai của Richard gia nhập công ty và nắm giữ chức Phó chủ tịch . Ba năm sau, ông chuyển đến Mỹ, mang theo sứ mệnh mở rộng hoạt động tại thị trường màu mỡ này.

Bước ra từ cái bóng của cha

Richard Pratt là người đã dẫn dắt và từng bước đưa Visy trở thành công ty hàng đầu nước Úc, tuy nhiên điều đó cũng khiến người con trai Anthony chịu áp lực không nhỏ.

Trước khi đến Mỹ, Anthony đã có tiếng tăm ở trong nước nhưng lại với một hình ảnh kiêu ngạo và xa cách. Tính hài hước có phần kỳ quặc của mình khiến giới quan sát lúc ấy thậm chí coi anh như một đứa trẻ hư hỏng và hoài nghi về tương lai của Visy tại phía bên kia bán cầu.

“Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì, anh hùng từ thiện của nước Úc - Ảnh 2.

Anthony Pratt

Từ những năm 1980, Richard đã mang ước mơ Mỹ tiến và mua nhà máy Macon. Đây cũng chính là cơ hội để Anthony bước ra khỏi cái bóng của người cha, khẳng định thực lực của mình.

Tuy nhiên, sau Thế chiến thứ II, nhà máy Macon đang vận hành bằng công nghệ lỗi thời, không hiệu quả và chịu lỗ liên miên. Trong khi đó, Anthony nhận thấy một khoảng trống trên thị trường.

Mọi người đều đang sản xuất giấy từ cây. Tại sao không ai tái chế những thứ từ bãi rác, điều mà Visy đang làm ở Úc? Ông sớm đóng cửa nhà máy Macon và tập trung vào việc tái chế chất thải do các đối thủ cạnh tranh tạo ra.

Thay vì mua lại và tiếp quản các nhà máy cũ, ông tập trung xây dựng các nhà máy sản xuất bao bì của riêng mình. Năm 1995, một nhà máy tái chế giấy trị giá 250 triệu USD được xây dựng trên đảo Staten.

“Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì, anh hùng từ thiện của nước Úc - Ảnh 3.

Một nhà máy của Visy tại Mỹ.

Cùng năm đó, được sự ủng hộ từ cựu tổng thống George Bush, một nhà máy trị giá 130 triệu USD nữa được mở ở Atlanta. Đồng thời, Anthony đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp với nhiều tên tuổi hàng đầu trong kinh doanh, chính trị và giải trí.

"Hãy chấp nhận sự thật rằng, chúng ta không thuộc ngành công nghiệp tinh vi nhất. Chúng ta làm hộp là chủ yếu. Vì vậy, tất cả đều phụ thuộc vào các mối quan hệ và sự gần gũi với khách hàng của bạn. 20 khách hàng hàng đầu rất quan trọng. Sự tăng trưởng lớn nhất trong tương lai sẽ đến từ các khách hàng hiện tại.", Anthony chia sẻ.

Đi theo hướng mới, công nghệ của Pratt Industries (tên gọi của Visy Industries tại Mỹ) trở thành một trong những công nghệ tiên tiến và hiệu quả nhất trong ngành. Công ty chỉ sử dụng số lượng nhân công bằng ¼ so với đối thủ.

Bằng cách lấy rác giấy như báo, hộp đựng bánh pizza,… và biến chúng thành bao bì mới, Pratt trở thành nhà sản xuất bao bì lớn duy nhất sử dụng giấy tái chế 100%. Ước tính công ty đã giúp tiết kiệm khoảng 55.000 cây mỗi ngày, đồng thời phát triển nhanh nhất trong ngành đóng gói.

“Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì, anh hùng từ thiện của nước Úc - Ảnh 4.

Visy là công ty sản xuất bao bì lớn duy nhất sử dụng 100% giấy tái chế.

Trong năm 2017-2018, công ty đã tái chế 1,8 triệu tấn bìa cứng và giấy, cùng 186.000 tấn thủy tinh, 95.000 tấn nhựa và 35.000 tấn kim loại.

Năm 1991, doanh thu của Visy đạt 100 triệu USD. 15 năm sau đó, con số này đã tăng gấp 15 lần. Đến 2016, công ty ghi nhận mức doanh thu 3 tỷ USD. Tại thị trường Mỹ, từ vị trí thứ 46, Pratt đã vươn lên trở thành nhà sản xuất bao bì đứng thứ 5 trong ngành.

Năm 2009, Richard qua đời, Anthony lên giữ chức chủ tịch, tiếp tục sứ mệnh của mình. Visy đã có tổng cộng 120 nhà máy trên khắp Australia, New Zealand và Thái Lan cùng các văn phòng thương mại tại châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

Bước ra từ cái bóng của cha, Anthony đã nỗ lực gấp đôi. Trong khi Richard nổi tiếng vì thường dậy vào lúc 5 giờ sáng và đi kiểm tra các nhà máy, con trai ông đã bắt đầu ngày mới từ 4 giờ sáng ở phía bên kia địa cầu. Hiện tại, giá trị tài sản của vị chủ tịch đạt khoảng 12,9 tỷ USD và ông đã nhận được nhiều giải thưởng ở cả Hoa Kỳ và Úc cho những nỗ lực vì môi trường của mình.

Từ thiện là đặc quyền, là vinh dự

Không chỉ là công ty tư nhân thành công và giàu có bậc nhất nước Úc, gia đình Pratt còn có truyền thống từ thiện qua nhiều thế hệ.

Năm 1978, Richard Pratt cùng vợ đã thành lập quỹ Pratt Philanthropies với sứ mệnh "Làm giàu cuộc sống cho cộng đồng của chúng ta" và là một trong những nguồn từ thiện lớn nhất nước Úc. Kể từ khi thành lập vào năm 1978, Quỹ Pratt đã quyên góp hơn 250 triệu USD cho hàng ngàn tổ chức cộng đồng ở Úc, New Zealand, Châu Á và Israel.

“Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì, anh hùng từ thiện của nước Úc - Ảnh 5.

Anthony và mẹ tiêp tục duy trì hoạt động của quỹ Pratt sau khi cha mất.

Năm 2017, tỷ phú Anthony cũng tuyên bố quyên góp 1 tỷ đô la Úc (khoảng 796,5 triệu USD) để làm từ thiện trước khi qua đời. Các dự án của Pratt tập trung vào Bệnh viện Hoàng gia Trẻ em, Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch và Prince Prince Trust Australia. Những tổ chức nghệ thuật như Dàn nhạc Giao hưởng Melbourne và Opera Australia cũng được tài trợ.

Anthony chia sẻ: "Mục tiêu của tôi là cho đi 1 tỷ đô la trước khi chết. Tôi có thể có đủ khả năng. Đó là một đặc quyền và vinh dự tuyệt vời." Ông cũng được Forbes vinh danh là một trong những "anh hùng từ thiện" của năm 2018.

Theo T.Dương/Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm