Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bức tranh doanh nghiệp "biến dạng" do 2 công ty đăng ký vốn siêu khủng

DNVN - Theo góp ý dự thảo Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm tăng tới 102,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bắc Giang có ngày bán tới 9.000 tấn vải / Ngành dệt may tăng trưởng “âm” sau gần 25 năm, dự báo đến 2023 mới có thể hồi phục

Theo góp ý dự thảo Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm tăng tới 102,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong báo cáo, số doanh nghiệp thành lập mới là 55.769 doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016 - 2021. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 2.278.416 tỷ đồng (tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.303.327 tỷ đồng (tăng 133,6% so với cùng kỳ năm 2020). Có 19.066 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng đầu năm 2021 (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 975.089 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 cũng đạt 23,4 tỷ đồng, tăng 102,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm năm 2021 là 412.421 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng năm 2021 là 22.564 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tiếp tục có sự gia tăng, với 59.820 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 53,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng năm 2021, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 19.979 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại là 8.023 doanh nghiệp, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Lý giải về việc tăng đột biến trong vốn đăng ký đó là việc có 2 "siêu doanh nghiệp" tại TP. HCM đăng ký thành lập mới vào ngày 20/5/2021 với số vốn đăng ký lần lượt là 25.000 tỷ đồng và 500.000 tỷ đồng. Trường hợp không tính 2 doanh nghiệp này thì vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 của cả nước là 778.327 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ 2020, vốn đăng ký bình quân đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2020).

Quay trở lại với câu chuyện về "siêu doanh nghiệp" vốn 500.000 tỷ đã từng gây sốt trong tháng 5, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, cổ đông lớn nhất, đồng thời là người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) đã chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến rằng hiện tại không có tiền, nhưng khẳng định không "nổ", chất xám và ý tưởng của ông sẽ giúp huy động vốn từ những nguồn khác.

Số vốn đăng ký này thực tế chưa hề có trong tài khoản, và công ty này sẽ có thời gian đến giữa tháng 8 phải huy động đủ. Tuy nhiên, làm gì để có số tiền này thì ông này trả lời vẫn khá "mông lung". Ông chủ này nói rằng: Mọi người mong chờ sau 3 tháng trong tài khoản ngân hàng của công ty tôi có 21,7 tỷ USD hoặc hơn. Dĩ nhiên tôi có rất nhiều nguồn, nhiều cái mang về dòng tiền. Đầu tiên chúng tôi tự kinh doanh rồi. Chúng tôi không phải đi tìm khách hàng, mà sẽ có một “đám khách" luôn. Vài triệu khách hàng về một lúc luôn. Con số đó là đã ra số tiền rồi đấy. Điều khá “lạ” là một kênh nữa ông Quốc Anh muốn các “anh hai, anh ba” góp cho “em út”.

Ông chủ này tự nhận trong nền kinh tế này, doanh nghiệp của ông là em út, còn các tập đoàn lớn là “anh cả, anh hai...” Ông này kỳ vọng rằng các “anh cả, anh hai” ấy mỗi người sẽ góp tầm “vài tỷ”. Nhưng ông này cũng nói thêm rằng: "Vài tỷ thì không phải là tôi đem tiền về nhé. Tôi không cần số tiền lớn thế vận hành vì số đó quá lớn, chỉ để trong tài khoản chung cho mọi người thấy thôi. Tập đoàn của tôi vận hành tháng cao lắm cũng chỉ mấy chục triệu, 20 triệu đổ lại thôi. Cho nên tôi không cần số tiền vận hành lớn thế".

Ông này cũng đề cập đến nguồn thứ ba là từ các quỹ đầu tư thế giới vì ông này cho rằng có thể mang về “triệu triệu USD, tỷ tỷ USD” trong khi chi phí vận hành chỉ... mấy chục triệu đồng. “Tôi có nhiều cách lắm, nhưng tôi không nói ra. Mấy chuyện này chuyện nhỏ, tôi có nhiều cách kiếm tiền lắm”, CEO này tỏ ra bí hiểm.

Thực tế, việc đăng ký vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp là quyền được pháp luật công nhận đối với doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân là hoàn tất theo đúng quy định trong thời gian 90 ngày. Trong thời gian này, cá nhân có quyền rút hồ sơ, hủy đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn, cá nhân sẽ bị xử phạt theo quy định.

Trường hợp trong thời gian chờ nhận giấy phép thành lập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp, cá nhân có hành vi trục lợi, lừa đảo, gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, xã hội sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Trong bản đăng ký vốn góp vào siêu doanh nghiệp 21,7 tỷ USD, vốn của các doanh nghiệp mà ông Quốc Anh đăng ký nhiều gấp 3 lần tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng (7,3 tỷ USD), trong khi đó ông này hiện chỉ ở nhà cấp 4, kinh doanh online. Điều này khiến dư luận hoài nghi, thậm chí bất bình trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm