Doanh nghiệp - Doanh nhân

Câu chuyện đối mặt với khủng hoảng của tập đoàn nước giải khát tỷ đô

Nhìn lại câu chuyện đối mặt với khủng hoảng, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ, chính việc tự nhìn nhận lại trách nhiệm đã giúp Tân Hiệp Phát vượt qua được trở ngại và khó khăn.

Nữ doanh nhân hội tụ / Nữ đại gia Việt có “đắc lợi” từ thương chiến Mỹ- Trung?

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương tại buổi giao lưu với khán thính giả đài VOV.

Theo một thống kê của thế giới, các công ty trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại và con số sống sót chỉ 5%. Trong số doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng, số doanh nghiệp tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm.

“Tất cả doanh nghiệp đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, do đó họ có thể phát triển được tới đâu thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lên tới đó”. Đó là nhận định của một nữ lãnh đạo thế hệ thứ hai, của một tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam – bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Với vai trò quan trọng của người lãnh đạo trong việc đưa doanh nghiệp phát triển và bứt phá, trong chương trình 30 phút cùng VOV2, nữ doanh nhân này đã chia sẻ những góc nhìn của bà cùng với câu chuyện của một tập đoàn gia đình trị giá hàng tỷ USD.

Thực tế, nhiều người cho rằng công ty gia đình chỉ phát triển đến một quy mô nhất định, tuy nhiên để có thể lớn mạnh và cạnh tranh với những “gã khổng lồ” là điều không tưởng.

Ngoài vai trò là Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, nữ doanh nhân còn được biết đến là tác giả cuốn sách “Competing With Giants” một trong 5 cuốn sách kinh doanh được đề cử cho giải thưởng Sách hay nhất của Mỹ năm 2018.

Trước quan điểm này, bà Uyên Phương, tác giả cuốn sách “Competing With Giants” chia sẻ: “Chúng ta thường hay nhầm lẫn doanh nghiệp gia đình là doanh nghiệp quản trị theo kiểu gia đình”. Nhưng, hiện nay, khi mà thế giới đang nói về doanh nghiệp gia đình, họ đang nói về một gia đình nắm quyền sở hữu và chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp đó, và có cách quản trị là chuyên nghiệp.

 

Có rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới là doanh nghiệp gia đình. Theo thống kê, 60 - 70% doanh nghiệp trên thế giới vẫn là các công ty gia đình. Tỷ lệ này ở nhiều quốc gia lên đến 90%.

Nhắc đến vấn đề mà các doanh nghiệp này phải đối mặt, nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát từng chia sẻ rằng, riêng với Việt Nam, đến giai đoạn hiện nay, đa số doanh nghiệp gia đình tầm 20 năm đến 30 năm thì bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những điều mà thế hệ lãnh đạo thứ hai, cũng như doanh nghiệp gia đình phải thay đổi.

Riêng với câu chuyện của tập đoàn nước giải khát 24 năm tuổi Tân Hiệp Phát, họ đã từng trải qua liên tiếp những khủng hoảng. Đối mặt với những trở ngại này, Tân Hiệp Phát đã xử lý và vượt qua như thế nào?

Nữ doanh nhân cùng gia đình đang đưa Tân Hiệp Phát vượt lên những người khổng lồ đa quốc gia tại thị trường trong nước và vươn mình mạnh mẽ ra thế giới.

Bà Uyên Phương nhận định, yếu tố tự nhận trách nhiệm là điều quan trọng. Nếu Tân Hiệp Phát không dám nhìn nhận điểm yếu của mình thì không thể cải tiến, từ đó phát triển được. Đó cũng là một trong những lý do giải thích tại sao có những doanh vượt lên được, nhưng cũng có những công ty lại bị khủng hoảng nhấn chìm.

Nữ lãnh đạo nói: “Nếu chúng ta không thấy được trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ không bao giờ cải tiến”.

 

Có một câu chuyện phổ biến ở Tân Hiệp Phát, một anh giám đốc sản xuất nhà máy bao bì từng chia sẻ với vị khách đến thăm rằng: “Ông Thanh có bao giờ xuống nhà máy, thật ra ở nhà máy này tôi là chủ. Ông Thanh là người đầu tư, nhưng người sử dụng máy móc thiết bị, vận hành sao cho hiệu quả là do tôi”.

Từ đó, nữ lãnh đạo đưa ra quan điểm về việc nhận trách nhiệm và việc làm chủ: “Chúng ta làm chủ, kể cả khi chúng ta vẫn là một nhân viên”. Một nhân viên sở hữu các nguồn lực mà công ty giao và làm sao để sử dụng có hiệu quả, đó chính là đang làm chủ công việc của mình. Tất nhiên, người chịu trách nhiệm sau cùng cho mọi kết quả, vẫn là người lãnh đạo.

Bà chia sẻ: “Khi chúng ta ra quyết định, có thể có mâu thuẫn giữa yếu tố ngắn hạn và yếu tố dài hạn. Nếu như chúng ta hi sinh dài hạn để đánh đổi ngắn hạn, chúng ta sẽ phải trả giá trên con đường phát triển tương lai. Điều quan trọng là cân nhắc cả hai yếu tố này để phục vụ một mục tiêu cuối cùng - Phát triển bền vững”.

Theo infonet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm