Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO EComEasy Nguyễn Trần Bích Ngọc: Tôi đào tạo miễn phí vì muốn giúp các DN bán hàng online nhiều hơn là trên các kênh truyền thống

DNVN - Bà Nguyễn Trần Bích Ngọc CEO EComEasy chia sẻ xung quanh việc làm thế nào để các doanh nghiệp, các nhà bán hàng online có thể thành công khi đưa hàng hóa của mình lên trên các kênh thương mại điện tử. Cũng như dự án mà EComEasy và đối tác đang đào tạo miễn phí cho các doanh nghiệp để bán hàng online hiệu quả.

Năm 2020: Thương mại điện tử Việt Nam giảm lệ thuộc vào các chương trình giảm giá / CEO EComEasy: 5 điều doanh nghiệp cần làm ngay để sống sót qua đại dịch Covid-19

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán, Trung Quốc từ đầu tháng 12/2019 và kéo dài chưa biết đến khi nào mới có thể chấm dứt, cuộc sống của người dân toàn cầu bị đảo lộn. Covid-19 đã khiến cho nhiều ngành nghề rơi vào án tử, bị đóng băng, ngủ đông, thậm chí chết lâm sàng. Tuy nhiên, riêng với ngành thương mại điện tử thì ngược lại, từ khi Covid-19 hoành hành thì thương mại điện tử lại có sự phát triển chóng mặt. Thậm chí đại dịch Covid-19 còn được ví như con gà đẻ trứng vàng cho ngành thương mại điện tử, khi mà mọi thứ đều được online hóa trên Internet.

Ngay sau Tết Nguyên đán, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu bị tác động bởi đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Trần Bích Ngọc, Người sáng lập startup EComEasy (ECE) - chuyên cung cấp dịch vụ trên sàn thương mại điện tử đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Đào tạo bán hàng online, mở các gian hàng chính hãng trên các trang thương mại điện tử lớn, thực hiện trưng bày và tiếp thị bán hàng tăng đơn trên gian hàng, vận hành đóng gói đơn.

Bà Bích Ngọc cũng là người đưa ra 5 bước để các doanh nghiệp sống sót trong đại dịch và 5 bước để phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Trần Bích Ngọc đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh việc làm thế nào để các doanh nghiệp, các nhà bán hàng online có thể thành công khi đưa hàng hóa của mình lên trên các kênh thương mại điện tử.

Thưa bà, xuất phát từ đâu mà bà lại có ý tưởng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai bán hàng trên thương mại điện tử? Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, bà và các cộng sự đã triển khai những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến?

Bà Nguyễn Trần Bích Ngọc: Xuất phát từ việc các doanh nghiệp lớn và nhà nước có nhiều hành động để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tôi theo dõi các doanh nghiệp Trung Quốc xoay sở bán hàng online khi dịch lan mạnh ở đất nước này trước Tết Canh Tý, nên đội ngũ EComEasy cũng muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào việc hỗ trợ doanh nghiệp khác, bởi vì EcomEasy có chuyên môn và hệ thống hỗ trợ nhanh nhất về thương mại điện tử.

Cụ thể từ tháng 2 đến nay, chúng tôi đã giúp đỡ các doanh nghiệp đưa hàng lên online bằng nhiều hình thức, như: Tư vấn miễn phí cho 30 doanh nghiệp lên bán hàng trên mạng dù trước đó họ không có kinh nghiệm và nhân sự triển khai bán hàng online.

Chúng tôi cũng tổ chức 15 lớp học online miễn phí cho các doanh nghiệp lớn, nhỏ để họ biết cách làm sao để triển khai bán hàng và các cách thức bán hàng sao cho hiệu quả, giảm chi phí tối đa khi thời điểm này tất cả đều phải tìm cách hạn chế chi tiền ra. Chúng tôi cũng hợp tác với Sihub, Vesa, BMG để triển khai các lớp online nhanh hơn và giúp được nhiều doanh nghiệp trong mạng lưới doanh nghiệp của họ

Bên cạnh đó, EComEasy còn bán hàng cho 6 thương hiệu lớn, nhỏ đang cần bán hàng hộ trên sàn thương mại điện tử vì họ thiếu nhân lực, việc hỗ trợ này chỉ với chi phí tối thiểu.

CEO EcomEasy Nguyễn Trần Bích Ngọc đã tổ chức nhiều lớp đào tạo miễn phí để các doanh nghiệp có thể bán hàng online dễ dàng hơn.

CEO EcomEasy Nguyễn Trần Bích Ngọc đã tổ chức nhiều lớp đào tạo miễn phí để các doanh nghiệp có thể bán hàng online dễ dàng hơn.

Bà có thể chia sẻ những kết quả đã thu được trong thời gian giúp đỡ các doanh nghiệp bán hàng online? Từ đó bà nhận thấy điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà sản xuất khi tham gia thương mại điện tử là gì?

Đầu tiên tôi rất vui và cảm kích với các doanh nghiệp vì họ cởi mở hơn với online trong đại dịch, khi mà dịch bệnh buộc người dân ở trong nhà nhiều hơn, các cửa hàng trên đường vắng khách hơn, và các trung tâm thương mại buộc phải đóng cửa. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới các đơn vị vẫn bán hàng theo cách truyền thống.

Qua quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp, tôi cho rằng điểm mạnh doanh nghiệp, các nhà sản xuất Việt Nam là họ có: Sản phẩm tốt, hàng tồn phong phú, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điểm yếu doanh nghiệp Việt Nam là: Sản phẩm chưa đa dạng, họ vẫn tập trung tiếp thị bán hàng theo cách truyền thống, chưa đầu tư xây dựng kênh phân phối online vững chắc, chưa lưu trữ thông tin khách hàng/người mua để bán chéo, bán thêm một cách hợp pháp

Được biết, vào ngày mai (17/4) bà có một buổi chia sẻ trực tuyến cho những ai quan tâm và muốn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Bà có thể tiết lộ, bà sẽ đề cập những bí quyết kinh doanh, những kinh nghiệm nào trong buổi nói chuyện này?

Đây là dự án EComEasy và Sihub Innovation hợp tác để nhân rộng và nhanh hơn việc đào tạo các doanh nghiệp thích nghi với Covid-19 và bán hàng online dễ dàng hơn. Nội dung học dựa theo nhu cầu của 50 học viên đăng ký và dựa vào bản đăng ký trước chúng tôi đã có thống kê về nhu cầu muốn học của học viên.

Theo đó, nhiều nhất chiếm 30% là Các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh thương mại điện tử. Tiếp theo 23% là Chiến lược và các chỉ số đánh giá hiệu quả các sàn lớn như Shopee Mall, Lazada Mall, Tiki Trading. Và thứ ba là 23% Cách thức lựa chọn mô hình thương mại điện tử. Chúng tôi sẽ tập trung giảng dạy và tư vấn trong 3 chủ đề trên cho những người quan tâm, chúng tôi mong muốn giúp họ nhanh chóng bán được nhiều hàng trên thương mại điện tử.

Bà là người đã có nhiều kinh nghiệm làm trong các Tập đoàn đa quốc gia, cũng như trong các doanh nghiệp thương mại điện tử, giao nhận lớn. Vậy bà có thể đưa ra những lưu ý nào đối với các đơn vị tham gia cung ứng trong chuỗi thương mại điện tử, bao gồm: Nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển và người mua hàng?

Theo Nielsen, Bán lẻ trên kênh thương mại điện tử ở Việt Nam chiếm chỉ khoảng 4% - 6% trong thị trường bán lẻ dù thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn 25% mỗi năm. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn rất mới ở Việt Nam đặc biệt trong chuỗi cung ứng giao vận vẫn còn nhiều hạn chế về kết nối hệ thống, kho bãi và quy trình kiểm soát chất lượng đơn hàng, Hiện nay các nước đã phát triển và thương mại điện tử chiếm 20% trong tổng thị trường bán lẻ, cho nên thị trường thương mại điện tử vì thế còn rất nhiều cơ hội để phát triển.

Về lưu ý cho các đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử, thực chất sẽ không có lưu ý chung cho toàn ngành thương mại điện tử khi các kinh nghiệm sẽ mau chóng lỗi thời và hệ thống công nghệ được cải tiến, nâng cấp liên tục. Lời khuyên của tôi vẫn là hãy thử nghiệm học hỏi nhanh và tiến bộ vượt trội, tìm ra phương thức tiếp thị xuất sắc cho thương hiệu, doanh nghiệp của mình so với đối thủ, trong điều kiện ngân sách đầu tư kênh và nguồn lực nhân sự cho phép.

Ở Việt Nam hiện nay có một đội ngũ rất đông đảo tham gia bán hàng online trên Facebook và Zalo, vậy theo bà, những người bán hàng online này cần phải có những kỹ năng về tiếp thị, bán hàng, chốt đơn như thế nào để có thể bán được nhiều hàng trên các nền tảng này?

Hiện tại các đội ngũ bán hàng online trên Facebook và Zalo chưa có thống kê chính xác, nhưng tôi chắc chắn con số thực tế sẽ lớn hơn số lượng 13.000 người bán hàng trên Facebook mà Hà Nội mời lên nộp thuế vào năm 2017, 14.000 người bán hàng trên Facebook mà TP.HCM mời lên nộp thuế vào năm 2018.

Tôi đã được tiếp xúc với những chủ group lên đến 500.000 thành viên. Họ là những người rất hay và đang học hỏi và họ có các điểm giống nhau là siêng năng bắt trend để bán hàng rất nhanh. Ví dụ một số mẹ bỉm sữa đã qua TikTok bán hàng.

Theo tôi, những người bán hàng trên mạng xã hội cần biết nói không với hàng giả và kém chất lượng vì họp chợ bán chỉ cần vài lần hàng đểu là không bán được nữa do khách quen bỏ đi. Họ cần biết tận dụng sức mạnh của các sàn thương mại điện tử để gia tăng lượng khách hàng và tận dụng chi phí tiếp thị các sàn bỏ ra. Ví dụ, Shopee đang hỗ trợ Doanh nghiệp gói trăm tỷ, Sendo cũng trợ giá, Lazada cho mã giảm giá miễn phí. Nhóm bán hàng trên Facebook cũng rất chiều khách hàng và giữ khách hàng dù giao hàng xa, chat trễ hay phải đổi trả hàng, cập nhật hàng hóa mới liên tục, tồn kho liên tục.

Theo kinh nghiệm của bà, ngành thương mại điện tử Việt Nam hiện nay còn những bất cập nào về mặt chính sách quản lý, cũng như việc hỗ trợ cho nhà sản xuất và người dùng tham gia nhiều hơn vào thương mại điện tử?

Ngành thương mại điện tử chính thống có bốn tên tuổi lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki Sendo và các nhà mới nổi như Vnshop.vn , BeautyBox.com.vn thì chính sách rõ ràng chuyên nghiệp và rất hỗ trợ doanh nghiệp về kho bãi, vận hành, thanh toán theo phương thức đặc thù từng sàn. Các sàn chính thống rất chịu chi xây hệ thống giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng như công cụ đấu thầu từ khóa tìm kiếm, livestream...

Phần không chính thống gồm Facebook, Instagram, Zalo, TikTok ….thì không có chính sách nên doanh nghiệp, nhà bán hàng chủ yếu học hỏi từ người đi trước để làm nhưng vẫn là "ném đá dò đường" và yếu tố hên xui cao. Và các kênh mạng xã hội cũng không có chính sách quản lý để người mua yên tâm mua hàng và thanh toán. Nên phần này lớn nhưng chưa có công thức chung, kỳ vọng sắp đến Facebook ra mắt chính thức phần MarketPlace kỳ vọng sẽ có chính sách rõ ràng hơn.

Cách đây chưa lâu, bà đã chia sẻ về 5 bước doanh nghiệp cần làm ngay để sống sót trong đại dịch Covid-19. Nay bà có thể chia sẻ tiếp về những kinh nghiệm hồi phục cho các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19?

Hồi phục thì cần có sức nên Lượng tiền mặt phải đủ để cầm cự thêm 2-3 tháng sau dịch.

Sau đó phải có hàng hóa để có gì đó để bán nên tránh bán tháo trong dịch và tránh ngưng đặt hàng.

Chương trình khuyến mãi offline sau dịch sẽ phải lớn để cạnh tranh với các đối thủ cũng hành động nhanh, quyết liệt để hồi phục

Chương trình khuyến mãi online cần tập trung vì những khách hàng đã tin tưởng đặt hàng của doanh nghiệp trong online, họ sẽ không bỏ thói quen mua sắm này vì đã được hình thành từ 1-2 tháng nay và chi phí tiếp cận, chi phí tiếp thị ít hơn offline.

Khuyến khích nhân viên là những người ủng hộ mua và sử dụng sản phẩm đầu tiên và khôi phục lòng tin của họ vào doanh nghiệp sau thời gian dài chờ đợi động thái doanh nghiệp còn nội lực để hồi phục hay không. Và khuyến khích họ là đại sứ thương hiệu trên mạng xã hội để lan tỏa và tiết kiệm chi phí tiếp thị

Tăng chi phí tiếp thị để giữ và mở rộng thị trường khi đối thủ nhanh nhạy hơn sau thời gian dài “ủ mưu học hỏi”

Xin cảm ơn bà!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo