Chậm thay đổi, người lao động sẽ tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Đại học RMIT mở ngành Quản trị nguồn nhân lực và kinh doanh kỹ thuật số / Thị trường lao động “khát” nhân lực sản xuất và thương mại điện tử
Tại Diễn đàn đa phương “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Samsung và các đối tác tổ chức ngày 28/10/2021, các chuyên gia nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam xét từ góc độ sẵn sàng, khả năng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động.
Để hoàn thành tốt mục tiêu của chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực người lao động cho công nghiệp 4.0, các sáng kiến hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng lực trong môi trường doanh nghiệp cũng như ngoài xã hội có ý nghĩa quan trọng.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Kinh tế số bao trùm cho phép mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam đặt ra, mà gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cũng theo ông Công, với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các bên trong việc phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp, cũng như giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, bao gồm cả đào tạo kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên…
“Đây cũng chính là chủ đề được các đối tác đồng tổ chức bao gồm VCCI, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn cho Diễn đàn đa phương MSF 2021 năm nay, khẳng định sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chủ thể nhằm hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong nền kinh tế số bao trùm, mang lại cả giá trị kinh tế và giá trị nhân văn”, ông Công nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu do COVID-19 gây ra trong 2 năm qua đặt ra những thách thức chưa từng có đối với những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đã tạo dựng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tầm nhìn tại diễn đàn, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định đại dịch COVID-19 đã tạo ra những khó khăn chưa từng có đối với phần đông người lao động và cả cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng với những thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã đặt ra những đòi hỏi và yêu cầu chưa từng có tiền lệ, khó khăn đối với từng người lao động.
Trong bối cảnh đó chỉ có nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn mới giúp người lao động vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống và “không bị bỏ lại phía sau”.
Chính vì thế, sự tham gia của các tổ chức xã hội sẽ giúp lấp đầy khoảng trống về nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt là các nhóm kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, thúc đẩy và đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, các nhóm lao động khu vực phi chính thức, lao động nhập cư.... Vai trò và sự hiện diện của các tổ chức xã hội góp phần đảm bảo sự công bằng, đa dạng trong cách tiếp cận và quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam. Phát triển xã hội, bao gồm quá trình cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ không thể thiếu đi hay coi nhẹ vai trò của bất kỳ bên nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo