Clip: Cuộc chiến pháp lý của ông chủ WikiLeaks sau 7 năm trốn chạy
Ecuador tốn hơn 6 triệu USD để bảo vệ ông chủ WikiLeaks suốt 7 năm / Chiến dịch 36 giờ “nghẹt thở” bắt giữ ông chủ WikiLeaks
Ông Julian Assange trong một bức ảnh cũ (Ảnh: Fox)
Julian Assange là ai?
Ông Julian Assange, công dân Australia 47 tuổi, là người đã sáng lập ra mạng WikiLeaks vào năm 2006 chuyên rò rỉ các thông tin mật ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đợt công bố dữ liệu mật đầu tiên của WikiLeaks bao gồm các hình ảnh cho thấy cuộc không kích vào năm 2007 của quân đội Mỹ ở Iraq khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Đến cuối năm 2010, WikiLeaks tiếp tục công bố hàng chục nghìn tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ và sau đó là một lượng lớn điện tín ngoại giao mật của Mỹ. Ban đầu, WikiLeaks chia sẻ các dữ liệu mật này thông qua một số hãng truyền thông như Guardian, New York Times.
WikiLeaks tiếp tục một đợt công bố tài liệu mật quy mô lớn nữa vào năm 2016, lần này là các thư điện tử của Ủy ban Dân chủ quốc gia Mỹ. Giới tình báo Mỹ sau đó nghi ngờ các thư điện tử này bị tin tặc Nga đánh cắp và chuyển cho WikiLeaks.
Trước đợt công bố này, Assange đã xin tị nạn chính trị ở đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) để tránh vướng vào vòng lao lý.
7 năm ẩn dật
Năm 2010, ông Assange đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục 2 phụ nữ ở Thụy Điển. Ông đã ra trình diện cảnh sát London vào tháng 10/2010 và bị bắt giữ trong khi chờ phán quyết có bị dẫn độ sang Thụy Điển hay không. Tòa án tối cao Anh sau đó chấp nhận cho ông Assange được tại ngoại với số tiền bảo lãnh hàng chục nghìn USD.
Tuy nhiên lo ngại giới chức Thụy Điển sẽ tìm cách để ông bị dẫn độ sang Mỹ đối mặt với các cáo buộc rò rỉ tài liệu mật, ông Assange đã đệ đơn xin tị nạn chính trị trong đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London. Ông chính thức được tị nạn tại đây kể từ tháng 6/2012. Đáng nói là việc tị nạn này lại khiến ông chủ WikiLeaks vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại ở Anh.
Đại sứ quán Ecuador không còn là nơi ẩn dật lý tưởng cho ông Assange kể từ khi Tổng thống Ecuador Lenin Moreno nhậm chức vào năm 2017. Quan điểm của ông Moreno là chủ nhân WikiLeaks đã vi phạm các hiệp ước quốc tế.
Chính phủ của ông Moreno được cho là đã đồng ý cho cảnh sát Anh vào bên trong đại sứ quán ở London để bắt giữ ông chủ WikiLeaks hôm 11/4.
Cuộc chiến pháp lý phía trước
Thời điểm ông Assange bị ít nhất 7 cảnh sát khiêng ra khỏi đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4 cũng là lúc ông phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ pháp lý.
Nếu ông Assange chỉ đơn thuần bị buộc tội vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại ở Anh, ông chỉ đối mặt với bản án tối đa 1 năm tù ở xứ sở sương mù.
Mọi việc không đơn giản như vậy khi Bộ Tư pháp Mỹ hôm qua công bố cáo buộc chống lại ông Assange, cáo buộc ông này “đột nhập hệ thống máy tính để truy cập trái phép các dữ liệu mật của chính phủ Mỹ”.
Theo cáo buộc đó, ông Assange bị cho là cấu kết với cựu nhân viên phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning vào năm 2010 để bẻ khóa hệ thống máy tính Bộ Quốc phòng Mỹ, giúp Manning truy cập vào hệ thống này, đánh cắp các dữ liệu mật sau đó chuyển cho WikiLeaks. Nếu dẫn độ và bị buộc tội ở Mỹ, ông Assange có thể đối mặt với án tù lên đến 5 năm.
Tổng thống Ecuador Moreno cho biết, ông đã nhận được đảm bảo từ chính phủ Anh rằng, ông Assange sẽ không bị dẫn độ sang quốc gia nào mà ở đó ông ấy đối mặt với án tử hình hay bị tra tấn.
Nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ không phải là mối lo ngại duy nhất của ông chủ WikiLeaks khi các công tố viên Thụy Điển hôm qua cho biết sẽ cân nhắc mở lại cuộc điều tra ông Assange với cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ. Nói cách khác, hiện giờ Thụy Điển hoàn toàn có thể đề nghị dẫn độ ông Assange.
End of content
Không có tin nào tiếp theo