Doanh nghiệp 24h

Du lịch Việt Nam tận dụng cơ hội, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi mạnh mẽ

DNVN - Du lịch vừa Việt Nam vừa trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng, tận dụng cơ hội để khôi phục du lịch thoát khỏi những khó khăn hiện tại và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.

Doanh nghiệp du lịch Huế chung tay làm sạch rừng ngập mặn trên Phá Tam Giang / Vietnam Airlines: Mở rộng khai thác 4 đường bay quốc tế

Trong buổi Hội thảo "Du lịch Việt Nam 2021 - 2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ diễn ra tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, các hoạt động đi lại, vận chuyển hàng không trên thế giới đều bị ngừng trệ, biến ngành du lịch từ vị trí ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định hàng đầu thế giới trở nên “ngưng trệ - đóng băng”. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã thành công trong việc nhanh chóng khống chế nhiều lần bùng phát dịch trên cả nước. Đây là tiền đề để thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29%.


Việt Nam trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19. Thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đây sẽ là thế mạnh, đòn bẩy cho du lịch Việt Nam khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại Việt Nam.


Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, theo quan điểm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch COVID-19 tuy gây ra tổn thất nặng nề, nhưng cũng là cơ hội để toàn ngành du lịch thế giới cùng đánh giá và lựa chọn lại các ưu tiên, từ đó tự hoàn thiện, chuẩn bị cho một “kỉ nguyên phục hồi” sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Năm 2020, sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động 2 đợt kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn”. Những đợt kích cầu này nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại nguồn thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch COVID-19 tới ngành du lịch. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.


Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó, sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.

Về thị trường mục tiêu, các thị trường gần trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là các thị trường mà du lịch Việt Nam cần chú trọng trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023. Có thể chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện đón khách đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Sự độc đáo của ẩm thực và hệ thống lưu trú ngày càng thu hút du khách

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng với tốc độ rất cao, khách du lịch quốc tế tăng trung bình 22,7% mỗi năm. Việt Nam đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng 1,5 lần từ 57 triệu lượt vào năm 2015 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp trực tiếp 9,2% vào GDP của đất nước. Năm 2020, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch đã đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trực tiếp trên 10% GDP để đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2020, bất chấp dịch bệnh COVID-19, Du lịch Việt Nam vẫn được vinh danh bởi nhiều tổ chức uy tín trên thế giới với các giải thưởng danh giá từ các tổ chức uy tín trên thế giới. Tiêu biểu là những danh hiệu: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng thế giới World Travel Awards trao tặng. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới trong con mắt bạn bè quốc tế.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phục vụ khách ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Đến nay, ngành du lịch có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 650.000 buồng, trong đó đã hình thành nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp tích hợp nhiều dịch vụ trọn gói với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn, qua đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.


Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, một trong những yếu tố hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam là ẩm thực. Sự độc đáo và hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam đã giúp du lịch Việt Nam vinh dự nhận được danh hiệu Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á hai năm liền 2019-2020.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ hoạt động du lịch, gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Việt Nam. Việc nắm bắt đầy đủ bức tranh toàn cảnh về du lịch Việt Nam sẽ giúp nhìn nhận chính xác về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong nền kinh tế, những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động du lịch và từ đó có những giải pháp phù hợp để phục hồi và phát triển tiếp trong thời gian tới.

Trong bối cảnh Du lịch Việt Nam đang nỗ lực triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa và cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Để có những chiến lược cụ thể và chuẩn bị cho bài toán hồi phục du lịch sau đại dịch, ngành du lịch đề ra những phương án như: Công tác phối hợp để vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Cùng với phát triển sản phẩm mới, cần làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh; Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách; Đối với thị trường quốc tế, cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại.

Với những chiến lược được hoạch định cụ thể và sự đánh giá cao của du khách quốc tế dành cho Việt Nam, hy vọng trong tương lai sắp tới du lịch Việt Nam có những bước tăng trưởng đáng kinh ngạc trong mắt bạn bè quốc tế.

Thanh Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm