Doanh nghiệp dệt may ứng phó với tình trạng thiếu đơn hàng
Rủi ro khi hợp tác kinh doanh và làm gì để phòng tránh? / Bà Tống Kim Giao làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản
Nguyên nhân là do động lực tăng trưởng cho ngành này chưa thực sự rõ ràng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm theo các mùa lễ hội cuối năm. Trước khó khăn này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị chiến lược phát triển cho riêng mình.
Chưa hết khó khăn
Theo thông tin từ Hiệp hộiDệt mayViệt Nam (VITAS), tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm từ 8-10%, do vậy, ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024. Dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay chỉ có thể đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022.
Tuy nhiên, VITAS cũng "hé lộ" những tín hiệu tích cực của sự phục hồi khi gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS nhận định: sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm của thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm. Dệt may Việt Nam gặp khó khăn hơn trước những đòi hỏi khắt khe từ các nhãn hàng như chất lượng cao hơn, đòi hỏi tuân thủ các chính sách như phát triển bền vững.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ, tăng 6,2% so với tháng 6/2023. Lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.
Dự báo về thị trường, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn Phòng HĐQT Vinatex cũng cho rằng, thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm. Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm dự kiến tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa cả năm 2023 kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của thị trường này đạt 80 tỷ USD (giảm 20% so với năm 2022). Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% so đồng Yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam (Thời trang M2) Nguyễn Hải Đường cho biết, sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn vẫn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, thậm chí sang đầu năm 2024, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và IV. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50%.
Thị trường những tháng cuối năm tuy chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng nhiều doanh nghiệp nhận định, thời điểm xấu nhất của dệt may đã đi qua. Để đón đầu xu hướng phát triển mới, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn lực, tài chính, tăng cường quản trị cũng như tiết giảm tối đa các khoản chi phí... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Ứng phó ra sao?
Theo ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc M2, để tránh phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp hướng đến đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cho chính mình, khôi phục tăng trưởng kinh tế…
Bên cạnh tình trạng thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may bị thu hẹp lợi nhuận do đơn giá giảm sâu. Song để duy trì sản xuất, giữ được mối làm ăn, họ vẫn phải chấp nhận dù hàng sản xuất ra không mang về lợi nhuận.
Theo xu hướng hiện nay, chuỗi cung ứng dệt may thế giới đang dần ổn định trở lại với các đặc điểm mới như: giá gia công ở mức thấp; đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng sản phẩm khắt khe, thời gian giao hàng nhanh. Cùng đó là các yêu cầu về sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế,...
Tổng Giám đốc Vinatex - Cao Hữu Hiếu khẳng định, bản thân doanh nghiệp phải điều tiết linh hoạt theo nhu cầu thị trường và khách hàng. Trong giai đoạn hiện nay, tập đoàn đang tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm như hình thành và thúc đẩy hoạt động của các ban sản xuất, kinh doanh sợi-vải-may-gia dụng nhằm tận dụng kinh nghiệm của các đơn vị tốt hỗ trợ các đơn vị yếu cải thiện hoạt động, hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các ban sản xuất, kinh doanh để nhanh chóng hình thành chuỗi sản xuất cũng như xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang của tập đoàn.
Đồng thời, phát triển các trung tâm dịch vụ, các giải pháp quản trị dùng chung giữa các đơn vị thuộc cùng một địa bàn nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí, dàn trải; tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất xanh; phát triển sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế,...
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho xuất khẩu, hiệp hội đặt mục tiêu xanh hóa với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Để tăng uy tín trên thị trường quốc tế, thu hút các đơn hàng, đảm bảo xuất khẩu bền vững, đại diện Bộ Công Thương cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, chứ không đơn thuần chủ yếu gia công như hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo