Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn

DNVN - Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ giới doanh nhân chiều 7/10, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể bứt phá sau đại dịch.

Doanh nghiệp muốn tự “đo ni đóng giày” trong phòng, chống dịch / Du lịch tái khởi động trong giai đoạn bình thường mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (bên trái) trong buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân vào chiều 7/10/2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (bên trái) trong buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân vào chiều 7/10/2021.

Doanh nghiệp vận tải kiến nghị miễn thuế, giảm thuế và giãn nợ…

Tại buổi gặp, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho biết, đại dịch COVID-19 liên tiếp qua các đợt dịch khiến doanh nghiệp vận tải giảm tới 70% doanh thu, nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Lượng hành khách giảm khiến thu không đủ chi, doanh nghiệp không có nguồn trả lãi vay, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm.

Do đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị VCCI, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các Bộ ngành liên quan báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét 10 giải pháp, bao gồm:

Giảm thuế giá trị gia tăng về 5% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

 

Chỉ đạo hệ thống các ngân hàng giảm lãi suất, giảm 3-5% lãi suất/năm cho vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hiện tỷ lệ giảm chỉ 0,5% là không đáng kể và không tương xứng với những thiệt hại của doanh nghiệp do đại dịch. Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải được tạm dừng đóng và nợ tiền BHXH hết năm 2021. Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang nợ BHXH được giãn nợ BHXH hết năm không tính lãi nộp chậm phạt.

Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang nợ phí bảo trì đường bộ hết năm 2021. Bởi hiện bất cập là doanh nghiệp taxi, doanh nghiệp vận tải đang dừng hoạt động do yêu cầu chống dịch, xe nằm bãi nhưng đến kỳ vẫn phải dóng phí bảo trì đường bộ khi đi đăng kiểm.

Đồng thời, Bộ GTVT sớm có kiến nghị với Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm có chính sách miễn giảm phí dịch vụ với xe đưa đón tại cảng hàng không, như ở Hải Phòng là Cảng hàng không Cát Bi từ tháng 1/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định với các xe kinh doanh vận tải. Điều chỉnh tăng niên hạn sử dụng với loại xe kinh doanh vận tải hành khách khi chưa có điều kiện thay thể xe mới, do thời gian và km đã giảm 70%-80% do dừng hoạt động ảnh hưởng từ dịch.

 

Đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP đến 31/12/2022 thay vì 1/7/2021 như hiện nay, bởi đối với các doanh nghiệp lắp camera thời điểm này là cần nguồn lực rất lớn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cũng cho biết, chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại Nghị định 68/2021/NQ-CP và các quyết định quy định về hỗ trợ người lao động là tích cực nhưng doanh nghiệp đánh giá khó tiếp cận với nhiều chính sách không thực tế. Do đó, đề nghị sửa đổi các điều kiện nhanh chóng để doanh nghiệp có thể sớm tiếp cận.

Công nhân được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine

Tại buổi gặp, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) cho biết, từ hơn 2 tháng nay, Công ty đã triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu.

“Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm đồ bảo hộ y tế, áo quần thể thao từ các thị trường Mỹ, châu Âu tăng mạnh. Chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này không chỉ vì doanh thu, mà còn vì uy tín của doanh nghiệp trên thương trường”, ông Chính nói.

 

Theo ông Chính, nếu vì dịch bệnh mà dừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất bạn hàng vào tay đối tác khác và sẽ bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tham gia.

Cũng theo quan điểm của ông Chính, hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc thực hiện 3 tại chỗ.

“Nhiều người hỏi tôi, doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" như thế nào. Tôi xin mượn câu nói của Nguyễn Du để nói về vấn đề này “Nghe rằng hay thì thật là hay nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào?. Tôi nói thế để mọi người hình dung rằng doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" rất khó khăn”, ông Chính nhấn mạnh.

Để doanh nghiệp được tiếp tục an toàn sản xuất trong bối cảnh hiện tại, ông Chính đề xuất để các công nhân làm việc tại các nhà máy được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

“Khi công nhân được tiêm , người lao động sẽ yên tâm ở lại doanh nghiệp làm việc. Từ đó, sẽ không có tình trạng người lao động bỏ về quê để lại quá nhiều hậu quả về kinh tế cũng như xã hội”, ông Chính nhấn mạnh.

 

Văn bản pháp luật cần dùng từ ngữ dễ hiểu

Phát biểu tại buổi gặp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết: Việc ban hành các văn bản pháp luật còn thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp, nhất là trước vấn đề phục hồi sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch COVID-19.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu ra 4 ý kiến:

Thứ nhất, trong soạn thảo ban hành các văn bản với các doanh nghiệp nói chung, cần lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp là chính, không nên mang nặng tính an toàn, sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, không nên để các bên lợi dụng, bóp méo tạo giấy phép con, tạo rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nên có đánh giá bình chọn, chấm điểm trong việc bình chọn. Đánh giá các văn bản, xây dựng văn bản hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Vừa qua, việc ban hành các văn bản còn thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong mùa dịch. Một số văn bản chỉ đưa toàn văn, không có tóm tắt, so sánh, đối chiếu với các văn bản khác, gây khó cho doanh nghiệp. Trước khi ban hành, nên có ý kiến của VCCI, đại diện các Hiệp hội và các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên việc lấy ý kiến cũng cần được chuẩn bị chu đáo, có so sánh, đối chiếu, lý giải để dễ tiếp cận.

 

Các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong việc góp ý, nhưng các cơ quan nhà nước cũng còn có thái độ đại khái, sơ lược trong việc tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Hiện tượng này làm giảm bớt sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp trong việc góp ý các văn bản pháp luật.

“Chúng ta đã hội nhập, nên việc chỉnh sửa các văn bản pháp luật cũng phải có tính hội nhập, thì sau này các dịch vụ pháp lý ở Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Thực tế có rất nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết, thì đều xét xử theo luật nước ngoài hoặc luật Singapore, chứ không áp dụng luật Việt Nam. Đây cũng là điều mà Việt Nam chưa hội nhập được nhiều”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Thứ hai, mỗi khi thông qua luật, Quốc hội nên kiểm tra cả việc đồng bộ Nghị định, Thông tư để đảm bảo được đúng với tinh thần của luật và áp dụng được ngay. Trước mắt, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chịu tác động của dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, thực tế, phù hợp với đặc điểm điều kiện của doanh nghiệp, với ngành nghề lĩnh vực và có thể tiếp cận thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đến nay, việc hỗ trợ pháp luật chưa đồng đều vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương vùng miền, vì vậy, cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của luật, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, ví dụ như luật doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba, việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là giải đáp thắc mắc về pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, nhất là tại các tỉnh lẻ, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước. Không chỉ trong việc giải đáp về nội dung quy định pháp luật, mà ngay cả trong việc trả lời về các vụ việc phát sinh giữa các doanh nghiệp với nhau, trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác xét xử và thi hành án cần có sự minh bạch, đột phá, không để những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh với pháp luật, hoặc xét xử thiên vị.

 

Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin pháp lý, nhất là những văn bản hướng dẫn thi hành luật, Nghị định. Trong đó, quan trọng nhất là các Thông tư của các Bộ, liên Bộ hỗ trợ doanh nghiệp hơn, trong việc cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật từng vấn đề chuyên sâu nói riêng, thông qua các hình thức phù hợp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm