Doanh nghiệp kinh doanh bền vững cần tính đến tác động tới thế hệ trẻ
DNVN - Trê em phải là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của doanh nghiệp (DN). Các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đối với trẻ em.
Chủ tịch tập đoàn ThaiBinh Seed nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng / Cổ phiếu FLC tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
Trẻ em là yếu tố quan trọng trong đánh giá ESG
Tại diễn đàn "Kinh doanh có trách nhiêm vì tương lai bền vững cho thế hệ trẻ Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) cùng UNICEF Việt Nam tổ chức chiều 30/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện thế giới có khoảng 2,2 tỷ trẻ em ở độ tuổi dưới 18 tuổi, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới.
Theo Báo cáo về Lao động trẻ em do UNICEF công bố năm 2021, con số trẻ em lao động trên toàn thế giới đã tăng lên đến 160 triệu trẻ, đi ngược với xu hướng giảm trước đó.
Với số lượng lao động trẻ em đang có xu hướng tăng lên, việc DN nhận thức đầy đủ và lồng ghép vào chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển bền vững của DN những nội dung về quyền trẻ em sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững, cũng như thúc đẩy đóng góp của khu vực kinh doanh đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam.
Trong khi đó, việc đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang nhanh chóng trở thành một phần tất yếu của DN trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư.
"Ưu tiên thực hành ESG không chỉ giúp các DN trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn trang bị cho họ khả năng thâm nhập thị trường toàn cầu. Chính điều này giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, việc DN nhận thức đầy đủ và lồng ghép vào chiến lược kinh doanh của DN những nội dung về quyền trẻ em sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.
Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam chia sẻ, trẻ em là hiện tại và cũng là tương lai. Trẻ em phải là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá ESG của DN. Các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đối với trẻ em. Các tác động và rủi ro cần được đánh giá một cách khách quan và hoạt động chính cần được xác định nhằm giảm thiểu những rủi ro, tạo ra tác động tích cực cho trẻ em.
"Điều này sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh và tính bền vững, sẽ giành được sự ủng hộ của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư, những người có ý thức xã hội và xem xét các rủi ro ESG và cách các DN kiểm soát rủi ro", bà Rana Flowers nêu.
Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hội nhập chặt chẽ hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã ký hơn 15 hiệp định thương mại tự do và tái khẳng định cam kết tôn trọng các nguyên tắc quốc tế và quyền cơ bản tại nơi làm việc. Việt Nam cũng thể hiện cam kết thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững và đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về hoàn thiện luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp giai đoạn 2023-2027.
Trong bối cảnh hiện nay, theo Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, cần suy nghĩ thêm về ESG cho trẻ em.
"Người Việt Nam rất yêu trẻ em. Vấn đề là làm sao để tình yêu trẻ em cũng thể hiện nhiều hơn trong các hoạt động của DN. Việc DN quan tâm đến quyền trẻ em sẽ góp phần phát triển pháp lý, tiếng tăm của DN. Ngược lại, nếu không quan tâm đến vấn đề này, DN sẽ tổn thất về tài chính, thậm chí có thể dính líu đến kiện tụng. Cơ quan quản lý phải có những chính sách khuyến khích DN thực hiện ESG vì trẻ em và cho trẻ em", bà Rana Flowers nói.
Khó khăn của doanh nghiệp
Ở góc nhìn khác, bà Vũ Kim Hạnh - Chuyên gia chính sách kinh tế, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, ở Việt Nam, luật và các tiêu chuẩn đánh giá DN đã có tương đối đầy đủ. Vấn đề là tạo nhận thức để DN tự nâng cao trách nhiệm và có giám sát sâu sát, có thưởng - phạt để thúc đẩy sự thực thi nghiêm túc và công bằng.
Điều đáng nói là hiện cộng đồng DN đối mặt với quá nhiều khó khăn khi nhiều DN đóng băng, dừng hoạt động, tồn kho quá sức chịu đựng, đơn hàng mới không có. Do vậy, vấn đề an sinh cho công nhân thực sự cũng khiến DN khó chu toàn.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chuyên gia chính sách kinh tế, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao trăn trở việc DN gặp nhiều khó khăn nên sẽ khó chu toàn vấn đề an sinh cho công nhân.
Nhấn mạnh khó khăn của DN, bà Hạnh dẫn lời ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5: “nhiều DN lớn đã phải bán hết tài sản, những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực".
Khó khăn nhất là tâm lý của thị trường, niềm tin xã hội và sự né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi. DN cũng rất khó khăn khi thiếu vốn, thiếu điện và thiếu lao động.
Liên quan tới bảo đảm quyền trẻ em, theo bà Hạnh, DN đối mặt với trăm ngàn khó khăn và muốn cắt giảm chi phí để giảm giá hàng hóa. Một ví dụ điển hình là DN muốn làm nhà giữ trẻ trong DN nhưng việc xin giấy phép lại rất khó. Việc đầu tư nhân sự chuyên nghiệp và duy trì chất lượng cơ sở vật chất cũng không hề dễ dàng.
Từ thực trạng này, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao khuyến nghị Nhà nước cần xem xét giảm bớt những quy định quá ngặt nghèo, linh hoạt giữa nguyên tắc lý thuyết và năng lực thực thi của DN. Việc này cần được quan tâm sâu sắc vì sự thay đổi, bất định chắc chắn còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo