Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp nhỏ tìm cách lách qua “khe cửa hẹp” để hồi phục sản xuất

DNVN - Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải xoay xở để khôi phục lại hoạt động sản xuất trong khó khăn như: Thiếu nguồn lao động, thiếu nguyên liệu, thiếu linh kiện, vật tư sản xuất. Trong điều kiện đó, không ít doanh nghiệp đã có những giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.

G20 thông qua các quy tắc mới về thuế doanh nghiệp / Nới lỏng giãn cách giúp chỉ số sản xuất công nghiệp dần 'hồi sinh'

Doanh nghiệp điện tử gặp khó khăn về nguồn linh kiện nhập khẩu

Công ty Vũ Hồng Minh có nhà máy lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đã khôi phục lại hoạt động sản xuất từ đầu tháng 10. Ông Huỳnh Phú, Phó Giám đốc Công ty cho biết, đến nay công ty đã khôi phục lại hoạt động sản xuất khoảng 80%. Về nguồn nhân lực công ty đã có giải pháp hỗ trợ người lao động trong mấy tháng nghỉ việc do giãn cách xã hội để giữ chân người lao động như: Hỗ trợ 70% lương, nên chỉ khoảng 10% công nhân về quê, còn đa số họ ở lại do tin tưởng sau giãn cách vẫn có việc làm. Hiện nay việc tuyển thêm công nhân không khó vì nhiều công ty đóng cửa, công nhân thất nghiệp nhiều, nên công ty không bị ảnh hưởng do đứt gãy lao động.

Để đảm bảo an toàn cho nhà máy, đến nay công nhân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, song công ty vẫn tổ chức test nhanh COVID-19 với tần 2 ngày/lần cho công nhân. Để tiết kiệm chi phí test, công ty tự nhập kit test từ Trung Quốc về nên chi phí test cho công nhân không phải là gánh nặng quá lớn. Công ty chia ra thành từng khâu, từng dây chuyền riêng để công nhân của từng bộ phận không tiếp xúc với nhau, chẳng may có ca dương tính thì chỉ cách ly riêng bộ phận, không ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ nhà máy.

Chia sẻ về những ngày tháng khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Phú cho hay, 4 tháng dịch bệnh hoành hành công ty đã chuyển sang bán hàng online. Do các thiết bị truyền thống là đầu thu truyền hình, loa kéo ít giao dịch, nên công ty chuyển sang phân phối thiết bị y tế, kit test COVID-19. Ngay khi khôi phục sản xuất, công ty đã bắt tay vào sản xuất sản phẩm mới là lắp ráp máy tính bảng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu học tập trực tuyến. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là việc nhập khẩu linh kiện điện tử từ Trung Quốc khá khó khăn, giá cả lên xuống thất thường. Các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Trung Quốc do thiếu điện nên mỗi tuần chỉ làm việc 1-2 ngày, dẫn đến nguồn linh kiện nhập về vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng gấp đôi, gấp ba, nên thời gian hoàn thành sản phẩm bị kéo dài.

Một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử ở TP Hồ Chí Minh sau đại dịch cũng đang phải tìm cách chuyển hướng kinh doanh. “Đại dịch khiến chi phí của doanh nghiệp tăng, khi tái hoạt động sản xuất trở lại việc cho ra sản phẩm mới tiêu thụ cũng khá khó khăn vì sức mua của thị trường giảm. Chúng tôi có 2 nhà máy sản xuất nhưng nay khá “đuối sức” nên muốn tìm đối tác cùng đầu tư và cùng quản trị công ty. Chúng tôi sẽ chuyển hướng sang lắp ráp thiết bị gia dụng và gia công các sản phẩm khác cho các đối tác”, lãnh đạo công ty này cho hay.

Lãnh đạo một Tập đoàn công nghệ ở phía Bắc cũng nhận định, giai đoạn khôi phục sản xuất các doanh nghiệp công nghệ bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi chuỗi cung ứng linh kiện bị đứt gãy, giá linh kiện tăng cao do Trung Quốc bị thiếu điện, cắt điện luân phiên nên các nhà máy bị thiếu điện sản xuất. Do đó dù có tận dụng cơ hội thị trường, thì việc khôi phục sản xuất, giữ được các đơn hàng lớn, giữ được bạn hàng cũng khá khó khăn khi vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Các nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử đang tìm cách lách qua "khe cửa hẹp" để khôi phục sản xuất.

Các nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử đang tìm cách lách qua "khe cửa hẹp" để khôi phục sản xuất. (Ảnh có tính minh họa)

Giải pháp thu hút lao động của các doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, khi đại dịch diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp buộc phải sa thải hoặc để người lao động tạm dừng việc, một lượng lớn những người lao động này đã di chuyển ra khỏi khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có đông dân cư với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp khi từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để không xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường lao động. Do người lao động đang đứng trước hai cú sốc nặng nề do vừa trải qua giãn cách, bức xúc không có việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn và tâm lý e ngại, sợ dịch bệnh không sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi dịch được kiểm soát sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất khi phục hồi sản xuất.

Đề cập đến giải pháp đặt ra hiện nay với doanh nghiệp, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở vật chất và làm sạch môi trường, khử khuẩn và chuẩn bị điều kiện làm việc an toàn trong điều kiện chung sống an toàn với COVID-19, tức là kiểm soát dịch chứ không để dịch kiểm soát chúng ta, đảm bảo cho người lao động tiêm đủ liều vaccine. Đồng thời, doanh nghiệp phải có các chính sách thu hút người lao động như là: Miễn hoặc giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề hoặc đào tạo lại cho người lao động, chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chính sách hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ và phương tiện đi lại bảo đảm an toàn phòng dịch. Đây là các biện pháp tích cực thu hút lao động nhưng doanh nghiệp phải tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thậm chí còn chịu lỗ để bảo đảm duy trì sản xuất, khoan sức lao động chuẩn bị cho sự phục hồi, ổn định và tăng tốc phát triển trong tương lai. Đây có thể như là giải pháp đi trước đón đầu, cho phát triển.

Theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, ngay từ bây giờ, các địa phương cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

 

Cùng với đó là những chính sách, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp cần thiết để tái sử dụng lại những lao động đã bị dừng, nghỉ việc do dịch bệnh thông qua các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh khi thị trường lao động sôi nổi trở lại. Vì vậy, khả năng kết nối cung - cầu lao động của thị trường sẽ tiếp tục là vấn đề cần phải đặt ra hàng đầu cho các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động; vấn đề cốt lõi là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm