Doanh nghiệp phục hồi sau dịch: Phần thắng thuộc người nhanh chân
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp Việt - Nhật đang đứng trước cơ hội lớn / Doanh nghiệp chủ động góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế
Tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và những vấn đề pháp lý cần lưu ý" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, dịch bệnh đang có diễn biến mới khi xuất hiện biến thể mới.
Trong khi đó, áp dụng biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội để bình thường hoá với các hoạt động kinh tế - xã hội thì số ca nhiễm và tử vong lại tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy quá trình kiểm soát dịch bệnh, tái cơ cấu và phục hồi nền kinh tế đang trở nên khó khăn hơn.
Song xác định sống chung với dịch, mở cửa tái khởi động và phục hồi nền kinh tế vẫn là một sự lựa chọn không thể nào khác và hiện Chính phủ kiên định chủ trương này. Quá trình này không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới nhiều nước cũng phải chọn giải pháp sống chung với dịch.
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Quốc hội đang chuẩn bị cho kỳ họp bất thường vào cuối năm nay để thông qua chương trình phục hồi nền kinh tế. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội để trợ giúp cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Lộc cũng cho rằng, bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô và nguy cơ tăng lạm phát; tình trạng cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, chắc chắn phần thắng chỉ thuộc về những người nhanh chân; những doanh nghiệp nỗ lực vượt bậc, không ngừng đổi mới và chấp nhận thay đổi.
"Sự phục hồi đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái ở thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch. Các doanh nghiệp, nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh của dịch bệnh", ông Lộc bày tỏ.
Đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam dưới tác động của đại dịch, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, các doanh nghiệp đã “vượt khó” bằng nhiều phương thức. Từ cắt giảm chi phí bằng cách “ngủ Đông” đến giữ lại phần cốt lõi nhất; từ chuyển đổi mô hình kinh doanh đến chuyển đổi sản phẩm, để bắt kịp nhu cầu thị trường, gắn với xu thế tiêu dùng…
"Hiện nay, việc thiết lập chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, thời gian đủ dài đến năm 2022-2023, vì vậy các doanh nghiệp cần sự đồng hành, vào cuộc của Chính phủ - Quốc hội, đặc biệt cải thiện nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình này", ông Thành khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần có những đánh giá tác động, báo cáo thường xuyên; đảm bảo ổn định và cân đối vĩ mô về tổng thể, nhất là trong trung hạn giúp doanh nghiệp đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Theo đó, cần đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, vươt trội, hoàn thiện môi trường kinh doanh với những mô hình kinh doanh mới, tận dụng hội nhập...
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tận dụng lợi thế, cơ hội và xu thế cùng sự sáng tạo, chuyển động của cuộc cách mạng 4.0, với các giải pháp về chuyển đổi số để cho ra các sản phẩm mới, “thông minh hóa” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác với các doanh nghiệp cùng ngành, doanh nghiệp đối tác; xây dựng thương hiệu gắn với trách nhiệm "xanh"…
Đưa ra những khuyến nghị về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, việc thiết kế và áp dụng các quy trình sản xuất thông minh là nội dung cơ bản trong phát triển kinh tế số. Vì thế, các doanh nghiệp cần xác định được “vị thế” của mình, xác định được những khâu nào cần thực hiện chuyển đổi số để đi đến chọn đối tác và công nghệ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải lập được kế hoạch và lộ trình triển khai hợp lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo