Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị TP.HCM hoãn thu phí hạ tầng cảng biển

DNVN - Đại diện các doanh nghiệp thuỷ sản cho rằng quy định thu phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển của TP.HCM sẽ khiến "phí chồng phí" đè nặng lên vai, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

Nữ doanh nhân sáng lập công ty "Anh Ba Việt Nam" ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV / 'Đột nhập' dinh thự 79 triệu USD của tỷ phú giàu nhất châu Á

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) vừa có công văn gửi đến Bộ Tư pháp về một loạt kiến nghị, trong đó đề xuất cơ quan này báo cáo Chính phủ có ý kiến với TP.HCM để xem xét không thu các loại phí hạ tầng, dịch vụ công ích tại cửa khẩu và cảng biển trong giai đoạn kinh tế khó khăn do Covid-19.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trước nay họ đã phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... Chưa kể, các cảng biển cũng thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container...

Các mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích khu vực cửa khẩu, cảng biển tại TP.HCM dự kiến được áp dụng từ đầu tháng 7/2021.

Các mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích khu vực cửa khẩu, cảng biển tại TP.HCM dự kiến được áp dụng từ đầu tháng 7/2021.

VASEP lấy ví dụ với doanh nghiệp thuỷ sản tại Khánh Hòa khi vận chuyển hàng đến cảng Cát Lái (TP.HCM) phải trả phí tại 7 trạm BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt khi đi và về.

Tổng phí qua một trạm là 360.000 đồng/container, thì với mỗi container hàng, doanh nghiệp hiện phải trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng. Như vậy trung bình mỗi năm, một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa với 3.000 container xuất khẩu thì phải trả thêm 7,5 tỷ đồng tiền phí trạm BOT.

Hiệp hội VASEP tính toán, nếu phải gánh thêm khoản phí mới về sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển tại TP.HCM thì một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài thành phố sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng.

“Đến nay, TP.HCM chưa có thông báo công khai và minh bạch về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể nào nhưng lại đang yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các phí về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, hiện tại các cảng biển đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi như phí cầu tàu, phí lưu cont, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ cont… Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế xảy ra bởi dịch bệnh Covid-19”, Hiệp hội VASEP cho biết.

Đại diện các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị tạm hoãn thu các loại phí này ít nhất đến hết 31/12 năm 2021.

Đại diện các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị tạm hoãn thu các loại phí này ít nhất đến hết 31/12 năm 2021.

Ngoài ra, việc tổ chức thu phí theo một kênh thu khác được cho là bất hợp lý và không khả thi, tạo thêm thủ tục nộp phí mà doanh nghiệp phải làm. Quy định mới này cũng có thể dẫn đến việc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mở tờ khai trong và ngoài TP.HCM.

Như vậy sẽ gây tắc nghẽn mạng của hải quan thành phố, khiến ách tắc trong quá trình thực hiện, nếu tất cả các doanh nghiệp ngoài địa bàn đồng loạt chuyển hết về khai báo hải quan tại thành phố.

Hầu hết tất cả các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu hai lần phí: một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Namcho rằng, việc thu phí này chưa phù hợp khi doanh nghiệp đang phải trả rất nhiều chi phí phục vụ mục tiêu xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng của các địa phương, đồng thời đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Đại diện các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng lo ngại mức phí mới này được áp dụng sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và trong ngành hàng thủy sản nói riêng, đặc biệt khi tất cả đều đang nỗ lực duy trì kinh doanh trong bối cảnh khủng hoảng vì đại dịch.

Trước đó, vào đầu quý 3/2020, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương triển khai xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại thành phố (đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở GTVT thành phố tải chủ trì, phối hợp các sở, ngành là thành viên Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 796/2020 của UBND thành phố, khẩn trương xây dựng đề án, bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý và tiến độ.

Đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển được Sở GTVT TP.HCM xây dựng dựa trên kinh nghiệm, mô hình đang thực hiện tại TP Hải Phòng - nơi triển khai đầu tiên ở cả nước. Ngoài vị trí địa lý, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của TP.HCM cũng tương đồng với TP Hải Phòng.

Theo Sở GTVT, hiện nay, sản lượng hàng hóa qua cảng biển tại thành phố đã vượt mức dự báo, khi sản lượng thực tế của năm 2019 đã tương đương dự báo của năm 2025.

Với tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân 5%/năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển chủ yếu bằng đường bộ nên xe chở hàng ra vào cụm cảng rất lớn, dẫn đến sự quá tải ở nhiều tuyến đường. Thực tế, các tuyến kết nối chính hiện nay như Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (quận 2)..., áp lực kẹt xe ngày càng nặng nề.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm