Doanh nghiệp ứng phó với biến động thị trường xuất khẩu gạo
An Giang, Kiên Giang luôn đồng hành và tạo thuận lợi để doanh nghiệp an tâm sản xuất / Những phát ngôn ấn tượng của 'nữ tướng' ngành sữa Mai Kiều Liên
Ảnh minh họa.
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được giao dịch ở mức 538 USD/tấn trong phiên ngày 14/10 và là mức giá thấp nhất trong 15 tháng qua. Một phần nguyên nhân được cho là do tác động từ thị trường Ấn Độ, khi sau 1 thời gian dài cấm xuất khẩu, quốc gia này đã mở lại các kho gạo và tăng cường xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trái với những dự đoán của dư luận, thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đã chủ động kế hoạch từ sớm, giảm thiểu tác động từ thị trường gạo thế giới do Ấn Độ nới lỏng chính sách xuất khẩu của họ, bằng việc tập trung xuất khẩu dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao.
Hơn 1.000 tấn gạo chất lượng cao của doanh nghiệp đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ đầu tháng 10 với giá bán khoảng 800 USD/tấn. Mặc dù đây là dòng gạo giá cao, doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu thành công trong bối cảnh cạnh tranh nhờ liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân để đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Ông Lê Anh Nam - Phó Tổng Giám đốc CTCP Lương thực A AN, Tập đoàn Tân Long cho biết: "Điều chỉnh giảm mặt hàng gạo trắng 5% tấm. Tuy nhiên đối với gạo cấp trung và cấp cao, các loại gạo thơm không bị tác động nhiều vì đây là phân khúc khác và nó nhắm vào các thị trường khó tính cũng như các thị trường đòi hỏi chất lượng cao hơn".
Theo chuyên gia, Bộ Công thương và các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài cần cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về nhu cầu của từng thị trường đối với các loại gạo và mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu như Myanmar, Pakistan, Ấn Độ. Đồng thời, cần rà soát lại tổng lượng gạo trong nước và xuất khẩu tính đến tháng 10, ưu tiên cho các hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết.
Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia Nông nghiệp cho hay: "Doanh nghiệp phải bám sát các thông tin về diễn biến của thị trường, sự thay đổi của người tiêu dùng để tìm cái thị trường ngách. Chứ còn thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam thì tôi tin rằng nhiều quốc gia ở khu vực châu Á và kể cả ở các thị trường khác thì vẫn phải tìm đến".
Mặc dù giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 15 tháng qua, tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vẫn đạt 624 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ, và kim ngạch đạt trên 4,7 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ. Do đó, việc định vị đúng phân khúc sản xuất lúa gạo xuất khẩu là rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo