Doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn dịch Covid-19
Chuyện doanh nghiệp: Phía sau triệu USD là..."gượng lên trong nước mắt" / VINASME tổ chức đoàn doanh nhân, doanh nghiệp thành viên vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tuy vậy, đây là một năm thể hiện khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt để tiếp tục phát triển, đi lên… Điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để nước ta có được thành quả tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lún sâu vào suy thoái.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ước tính, năm nay, doanh thu ngành du lịch sụt giảm khoảng 23 tỷ USD, khách quốc tế chỉ đạt khoảng hơn 3 triệu lượt (giảm 80%), khách nội địa đạt khoảng 50 triệu (giảm 50%). Về lao động, khoảng 90% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc, cùng với đó, khoảng 60% doanh nghiệp trong ngành hiện ngừng hoạt động, nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Trước những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai, Lê Anh Đại cho biết: “Chính thị trường trong nước, du khách trong nước đã dạy chúng tôi cách phải thay đổi, sáng tạo hơn nữa trong các sản phẩm du lịch của mình. Vừa qua, khi khách du lịch sụt giảm, chúng tôi coi đó là khoảng lặng quý giá để nhìn lại mình, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội để vượt qua cơn bão này”.
Bà Nguyễn Kim Oanh, Giám đốc khách sạn Bình Anh cho biết, năm 2020 doanh nghiệp bị giảm doanh thu đến 70-80% doanh số. Trước khi có dịch Covid -19 có đến khách sạn có đến 80% khách nước ngoài, do ảnh hưởng dịch bệnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu bị sụt giảm trầm trọng. Tuy nhiên, chính trong quãng thời gian khó khăn đó, doanh nghiệp đã phải thực hiện chiến lược mới là đẩy mạnh thu hút khách nội địa, đồng thời xác định, tới thời điểm này, những khó khăn chưa dừng lại.
“Công ty có những chiến lược làm quảng cáo, thậm chí là mời đến ở trải nghiệm miễn phí và sau đó rồi thông qua tất cả những trải nghiệm của khách nội địa thì lại nhờ họ quảng cáo, quảng bá đến những khách hàng khác, thậm chí là có những món quà để tặng cho khách để khách nhớ để khách quay lại. Đến giờ phút này cũng đã đạt nhiều thành quả nhất định khi thu hút khách nội địa trong nước” - bà Nguyễn Kim Oanh nói.
Không chỉ ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp vô vàn khó khăn khi nhiều quốc gia đóng cửa, các đơn hàng và dòng tiền bị gãy khiến doanh nghiệp điêu đứng.Ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp dệt may. Nếu như năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỉ USD, thế nhưng do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 chỉ đạt 600-640 tỉ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%...
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi góc nhìn tìm ra hướng đi mới trong phát triển thị trường. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, để đối phó với tình hình trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.
Cụ thể như, khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu... Đồng thời kỳ vọng năm 2021 dịch Covid -19 sẽ được kiểm soát để May 10 có những giải pháp làm tiền đề tiếp tục trụ vững và phát triển. Doanh nghiệp luôn phát triển song song thị phần hàng hóa ở trong nước và xuất khẩu.
“Năm 2020, chúng tôi đã đặt kế hoạch mở 5 cửa hàng lớn thuộc chuỗi của May 10, chúng tôi đã mở cả 5 cửa hàng. Thực tế không tăng trưởng, nhưng chúng tôi không bị giảm sút do biến động của dịch dẫn đến nhu cầu giảm, nhưng đối với tổng doanh thu nội địa không giảm sút. Trong năm 2021 chúng tôi sẽ tăng trưởng thị trường nội địa từ 20 đến 30 % so với năm 2020” - ông Thân Đức Việt cho biết.
Ở thị trường nông sản, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hiền Lê cho biết, năm 2021 doanh nghiệp sẽ xây dựng thêm nhà máy mới - mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước.
“Trong năm 2021, doanh nghiệp đang nghiên cứu để xây dựng nhà máy có công suất gấp 7 lần nhà máy hiện tại, cùng với đó là thu hút thêm nhiều nguồn lực để phục vụ cho ngành nông nghiệp. Hy vọng đến hết năm 2022, chúng tôi sẽ có nhà máy mới và các sản phẩm mới” - bà Nguyễn Thị Bảo Hiền chia sẻ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá, năm 2020 là 1 năm đầy “sóng gió” nhưng cũng là 1 năm mà cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững của mình. Khi dịch bệnh, chiến tranh thương mại xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thực tiễn này đã dạy cho cộng đồng doanh nghiệp một bài học là phải tăng cường khả năng chống chịu, đi theo con đường phát triển bền vững.
Đối với những doanh nghiệp định hướng mô hình kinh doanh và chiến lược của mình theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch thì trụ vững khá tốt, thậm chí còn tìm cơ hội để phát triển. Còn những doanh nghiệp mà chưa thực sự chú trọng đến mô hình này thì, mỗi khi có biến động thị trường, lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phải phá sản, giải thể rút lui khỏi thị trường.
“Điều quan trọng nhất cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là Chính phủ phải có những nỗ lực phối hợp toàn cầu để ngăn chặn được dịch bệnh trong năm 2021. Điều này rất quan trọng nhất đối với doanh nghiệp trong việc định hướng hoạt động kinh doanh của mình trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Muốn cho doanh nghiệp định hướng theo hướng phát triển bền vững thì cần phải có một hệ sinh thái thích hợp, một hệ thống chính sách của Chính phủ ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, để trụ vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo, buộc doanh nghiệp phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng. Đồng thời, nhu cầu chuyển đổi số, sáng tạo trong mô hình kinh doanh cũng là một trong xu hướng tiếp theo trong thời gian kế tiếp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để tạo đột phá trong phát triển, đồng thời có những chuỗi cung ứng riêng. Trong bối cảnh thị trường sẽ tiếp tục khó đoán, ai có chuỗi cung ứng riêng sẽ tồn tại. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, đó là vấn đề cần giải quyết để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo