Doanh nghiệp xoay xở trước áp lực chi phí tăng cao
Khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào / Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đã đến lúc “đoạn tuyệt" với xuất khẩu tiểu ngạch
Cuối năm, cácdoanh nghiệpsản xuất hàng xuất khẩu Việt Nam đang đón nhiều hơn lượng đơn đặt hàng. Một phần vì cuối năm, người tiêu dùng ở các thị trường trên thế giới mua sắm nhiều hơn, hàng hóa tồn kho ở các nước cũng giảm, khiến các đối tác nhập khẩu ở đây bắt đầu đặt hàng trở lại.
Tuy nhiên, như vậy chưa hẳn các doanh nghiệp xuất khẩu đã bớt lo, bởi mức giá bán cho các đơn hàng đang ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao.
Những tháng cuối năm, các bạn hàng từ Mỹ và châu Âu của doanh nghiệp đã đặt hàng nhiều hơn trước khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được trên mỗi đơn hàng này chỉ còn bằng khoảng 40%, thậm chí chỉ bằng một nửa trước đây, nguyên nhân bởi các chi phí đầu vào đang tăng quá cao.
"Phải tăng lương lên khoảng 20%, thậm chí có người phải tăng 30% mới đảm bảo cuộc sống thì người ta mới tiếp tục gắn bó. Chi phí vận chuyển từ đầu năm đến nay tăng 15 - 20%. Giá nguyên phụ liệu cũng lên nên lợi nhuận của chúng tôi giảm sút. Bây giờ chúng tôi nâng giá bán thì khách hàng lại không mua", ông Đỗ Đình Lăng, Giám đốc Công ty TNHH LV & Hòn ngọc Viễn Đông, cho biết.
Doanh nghiệp này từ trước tới nay chuyên sản xuất xuất khẩu đồ khảm sò, khảm trai, nhưng hiện giá vỏ sò đang tăng rất cao. Trước đây, giá 1 kg vỏ chỉ 30.000 - 40.000 đồng, nhưng hiện tăng gần gấp đôi, lên hơn 70.000 đồng/kg. Chính vì vậy doanh nghiệp đang phải tính toán chuyển sang sản xuất đồ khảm tre.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, chi phí đầu vào tăng cao, nhưng giá của những đơn đặt hàng cuối năm nay lại giảm. (Ảnh: TTXVN)
Phải xoay xở tìm mọi cách để giảm các chi phí đầu vào cũng đang là tình cảnh chung của nhiều ngành hàng xuất khẩu. Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, chi phí đầu vào tăng cao, nhưng giá của những đơn đặt hàng cuối năm nay lại giảm, phải vượt được qua giai đoạn này, triển vọng thời gian tới mới tốt hơn.
"Mức giảm khoảng độ 15%. Tuy nhiên chúng ta phải thấy cái này nó sẽ cải thiện cho năm sau. Hiện nay có nhiều đoàn khách hàng vào Việt Nam gặp gỡ, trao đổi và thảo luận cho những đơn hàng của năm 2024. Những đơn hàng có thể có sự đột phá", ông Phạm Hồng Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho hay.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định: "Đến thời điểm này, vấn đề suy thoái và lạm phát đã được chặn lại. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng tăng lên sau khi lượng tồn kho đã giảm bớt. Như vậy dự báo sang năm 2024, nhu cầu mua hàng của các nước cũng sẽ gia tăng".
Các hiệp hội doanh nghiệp cũng nhận định, ngay cả khi thị trường tốt hơn, xu hướng cạnh tranh vẫn sẽ khốc liệt. Nếu những doanh nghiệp nào thực sự sáng tạo, đổi mới sản phẩm, thay đổi để tối ưu hóa được các chi phí đầu vào thì sẽ có nhiều đơn hàng và lợi nhuận cao hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo