Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Phạm Tuấn Anh: Người giữ hương cho trầm hương Việt

Từ bỏ công việc đã theo đuổi suốt 23 năm để xây dựng thương hiệu cho trầm hương Việt là một quyết định khá táo bạo, nhưng với doanh nhân Phạm Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Sư tử Vàng, đó lại là điều mà người có nhiều tiền chưa hẳn làm được.

Chân dung chàng trai 24 tuổi bỏ đại học, dựng chuỗi khách sạn trị giá 5 tỷ USD chỉ trong 5 năm / Hai nhà đồng sáng lập rời Instagram, bỏ lại nền tảng tâm huyết cho Facebook vận hành

Bắt đầu sự nghiệp riêng ở tuổi 43 với một lĩnh vực không nhiều thuận lợi, ông có tìm thấy niềm vui như mong muốn?

Trong kinh doanh, không có gì là dễ nhưng được làm công việc mình từng ấp ủ và đam mê suốt nhiều năm thì đó là niềm vui lớn. Niềm vui lớn hơn nữa là tôi đang từng bước hiện thực hóa ý nguyện xây dựng thương hiệu trầm hương Việt Nam và đặc biệt làm cho nhiều người đến gần hơn và hiểu hơn về trầm hương.

Doanh nhân Phạm Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Sư tử Vàng.

Doanh nhân Phạm Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Sư tử Vàng.

Nhưng tại sao lại là trầm hương mà không phải là sản phẩm khác, thưa ông?

Tình yêu với trầm hương trong tôi được tiếp nối từ thế hệ trước và nuôi dưỡng qua nhiều năm tháng. Đến nay tình yêu ấy đã trở thành một phần nhân duyên trong cuộc sống của tôi. Trầm hương đã đem đến cho tôi và gia đình tôi nhiều điều cũng như dạy cho tôi hiểu ra nhiều giá trị của cuộc sống. Và, chúng tôi đều hiểu rằng cần phải làm gì đó để bảo vệ tình yêu ấy.

Vào những năm 1990, cha tôi với mong muốn cháy bỏng về việc gìn giữ và phát triển nguồn trầm hương quý giá của Việt Nam nên đã tìm về "xứ sở trầm hương" Khánh Hòa đặt nền móng cho việc xây dựng vườn rừng cây dó bầu làm nguyên liệu và cũng từ thời điểm đó, cha tôi tập trung tìm hiểu, thu thập những giá trị vật thể, văn hóa, lịch sử của trầm hương mà từ lâu ông đã say mê.

Tôi đã phụ giúp cha tôi những công việc liên quan đến trầm hương khi còn trẻ và sau này, trong 23 năm làm việc ở ngành ngân hàng cũng là 23 năm tôi có thêm nghề tay trái: kinh doanh trầm hương. Trong suốt quá trình ấy tôi nhận thấy, dù được xem là sản vật quý, có giá trị trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam nhưng rất nhiều người không biết về trầm hương, thậm chí không biết đó là một sản vật ưu thế của đất nước mình. Từ đó, tôi nảy ra ý định tạo ra nhiều sản phẩm từ trầm hương và quảng bá trầm hương để nâng cao giá trị của nó.

Từ việc cung ứng nguyên liệu trầm hương thô cho khách hàng nước ngoài, năm 2000, khi đã đủ kinh nghiệm và nội lực, tôi tiếp nối những công việc cha tôi đang làm là đầu tư phát triển vườn rừng dó bầu - một loại dó tạo ra loại trầm hương nhiều nhất, có chất lượng tốt nhất. Hơn 30.000 cây dó bầu đã được tôi ươm giống tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Khoảng 15-20 năm nữa, tôi sẽ có vườn cây dó bầu đủ làm nguyên liệu để lấy trầm.

 

Tính toán là vậy nhưng trồng dó bầu không dễ chút nào. Thời kỳ đó, tôi vừa kinh doanh trầm hương, vừa làm ngân hàng, vừa trồng dó bầu nên thời gian rất eo hẹp, cứ tối thứ sáu lên tàu ra Nha Trang, tối chủ nhật lại vào TP.HCM để thứ hai đi làm. Giữa cái nắng đến rát da trên vùng đồi hoang Diên Khánh, tôi cùng anh em phơi lưng làm cỏ, xới đất, chăm sóc cây dó bầu.

Nhưng nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu theo cha học hỏi những kinh nghiệm trồng và chăm sóc dó bầu đã giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Khi ấy, không có kinh nghiệm trồng, không có nguồn nước tưới nên cây dó bầu chết hàng loạt, thậm chí đợt đầu trồng 10.000 cây chết không còn cây nào.Mỗi năm cây chết 50%, năm sau lại chết thêm, nên liên tục phải trồng mới, cứ mỗi lần khoảng 10.000 cây. Kiên nhẫn suốt 5 năm trời mới phủ kín cây dó trên 30 hécta đất. Tiếp theo đó, tôi phải đầu tư xây hồ tưới trên đỉnh đồi và hiện tại đã mở rộng thành hồ cảnh quan với hơn 1.200 khối nước.Việc cho cây dó bầu tạo trầm không ai có thể "đi tắt đón đầu". Đó là công việc khó khăn, cần đầu tư lớn, phải có nội lực để đi đường dài, ít nhất là 15-20 năm với nhiều kỹ thuật phức tạp.

Thời điểm khó khăn đó, ông có nghĩ mình đã chọn sai đường và thoáng có ý định bỏ cuộc?

Nếu đã gọi công việc mình chọn là vì tình yêu thì không thể bỏ cuộc. Nhìn lại chặng đường với khối lượng công việc đã làm, tôi ngộ ra rằng, khi được làm công việc có ý nghĩa và có giá trị lâu dài sẽ không biết mệt mỏi. Ngược lại, càng khó, càng thất bại, tôi càng hiểu rõ hơn giá trị công việc mình làm.Nhờ bỏ công sức, vất vả trong quá trình trồng gió bầu, tôi mới hiểu thêm những đặc tính, giá trị của trầm hương, nhận thấy mình không phải là người làm kinh doanh đơn thuần mà là người đang làm công việc bảo tồn một giống cây quý hiếm, là người kế thừa giữ hương cho trầm hương Việt Nam, vì thế tôi chỉ có một quyết tâm là phải đi đến cùng hành trình này.

Ông vừa nói "giữ hương cho trầm hương". Phải chăng đó là một sứ mệnh?

 

Loài người biết đến trầm hương và dùng trầm hương trong các nghi lễ tín ngưỡng cũng như chữa bệnh đã hàng ngàn năm qua. Nói cách khác, trầm hương đã có những đóng góp thiết thực cho nền văn minh nhân loại với rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, từ tâm linh, tín ngưỡng, y học.

Từ rất lâu, các đạo giáo lớn đã dùng trầm hương trong các nghi lễ, nhất là người theo đạo Hồi coi trầm hương là vật thiêng, hương trầm chuyển tải lòng thành đến đấng tối cao là thánh Allah. Người Việt quan niệm trầm hương là phúc lộc trời ban, là linh hương dẫn tài, tụ lộc, đem lại phước lành, sức khỏe, sắc đẹp. Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm kinh doanh không chỉ khai thác giá trị vật chất của trầm hương mà còn phải lan tỏa "văn hóa trầm hương" đến nhiều người Việt Nam để họ hiểu được công dụng và giá trị to lớn của nó và được sử dụng trầm hương chứ không xem đó như một sản phẩm quá xa xỉ.

Trầm hương là một vị thuốc, có tính giải độc, thư giãn, hồi phục sức khỏe tinh thần, giảm stress. Người Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, khi được tiếp xúc với hương trầm, não hoạt động hiệu quả hơn và giúp bộ não khi cần thư giãn thì thư giãn một cách trọn vẹn. Vì thế nên khi ngồi thiền hay tập yoga, người ta thường đốt trầm. Hiện nay, trong số hơn 60 sản phẩm, tôi còn sản xuất trà trầm từ lá cây dó bầu đã có trầm, giúp giải độc cơ thể, an thần, dễ ngủ.

Trong kinh doanh, thường khi có sản phẩm, thương hiệu người ta mới quan tâm đến vùng nguyên liệu, còn ông thì ngược lại, phải chăng ông có "cách đi khác"?

Trong thời gian kinh doanh trầm hương, tôi đã sản xuất một số sản phẩm như nhang trầm, trầm hương thanh, đồ mỹ nghệ như vòng trầm, nhưng chỉ bán theo cách ai biết thì mua. Tìm hiểu, tôi thấy thị trường còn manh mún, nhỏ lẻ, người kinh doanh đa số chỉ mua bán đơn thuần và có vẻ muốn gói gọn trầm hương cho một đối tượng người dùng nhất định. Tôi cũng được biết, trầm hương Việt Nam được thế giới đánh giá có chất lượng rất tốt nhưng lại không có thương hiệu nào được biết đến, xuất thô là chính nên rất lãng phí. Nhiều người muốn mua trầm hương cũng không biết đặt niềm tin vào thương hiệu nào. Vì vậy, song song với việc đầu tư phát triển, tôi xây dựng thương hiệu Hoàng Trầm như một cam kết về uy tín, chất lượng cũng như đường dài để đưa thương hiệu trầm hương Việt Nam ra thế giới.

 

Xây dựng thương hiệu cho Hoàng Trầm, có lẽ ông cũng gặp không ít khó khăn?

Tôi bắt đầu hành trình bằng việc đầu tư xây dựng khu bảo tồn trầm hương tại vườn rừng dó bầu ở Diên Khánh. Đây là khu vườn rừng dó bầu duy nhất tại Việt Nam mở cửa cho khách tham quan với nhiều hiện vật, tranh ảnh về trầm hương mà các thế hệ đi trước và tôi đã sưu tầm được.Với một công trình được đầu tư bài bản cả tiền bạc lẫn công sức, suốt hai năm trời bạt đồi và lao động cật lực mới hoàn thành, nên tôi không kinh doanh đơn thuần mà còn là khát khao xây dựng và truyền tải "văn hóa trầm hương" cho thế hệ mai sau. Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan của tỉnh Khánh Hòa rất ủng hộ mô hình này vì thu hút được đông đảo khách du lịch.

Người ta hay nói vui, làm nghề nào thì bị ảnh hưởng chính nghề đó...

Khi làm trong môi trường có những sản phẩm phục vụ tâm linh như trầm hương, tôi thấy mình sống tốt hơn, sâu sắc hơn, quan tâm đến mọi người hơn. Khi có chuyện gì đó làm mình bực bội, căng thẳng, chỉ cần thắp một nén nhang trầm là tôi thấy nhẹ nhõm. Mà khi tâm trí nhẹ nhõm thì sẽ ứng xử với mọi tình huống, mọi hỷ nộ ái ố của cuộc đời một cách trầm tĩnh hơn.Trước đây, tôi là một người sôi nổi nhưng từ khi làm trầm, tôi thấy mình lắng hơn, thích suy gẫm những vấn đề của cuộc sống một cách nhân văn, tạo cho tôi tính cẩn thận và kỹ lưỡng trong mọi công việc, kể cả lời ăn tiếng nói. Trầm hương là sản phẩm cao quý nên khi dùng từ về nó cũng phải tìm cách diễn đạt đúng nhất, phù hợp nhất. Ví dụ, người ta hay nói "đốt trầm" nhưng tôi nói là "thưởng trầm".

Hai chữ "thành công" và "an lạc" có ý nghĩa như thế nào trong quan niệm sống và kinh doanh của ông?

 

Trong cuộc sống mỗi người, ai cũng muốn thành công và thói quen của người Việt mình là trước khi làm điều gì quan trọng đều thắp một nén nhang để mong mọi sự suôn sẻ. Thành công phải đi cùng an lạc. Có thành công mà tâm không an thì không thể an lạc. Đó cũng là triết lý của người kinh doanh chân chính: làm bất cứ điều gì xuất phát từ tâm thì tâm sẽ an. Mà tâm an mới vui, mới hạnh phúc, mới cảm thấy công việc mình làm có ý nghĩa.

Ông có nhiều tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ cây dó đã tạo trầm. Ông muốn gọi là doanh nhân hay nghệ nhân?

Chế tác tác phẩm từ cây dó đã tạo trầm hay thưởng thức trầm hương là một nghệ thuật, nhưng tôi thích được gọi là nghệ nhân hơn. Kinh doanh những tác phẩm đặc thù được làm từ cây dó cho trầm hay từ trầm hương cũng là cách xây dựng uy tín thương hiệu chung cho trầm hương Việt Nam. Bên cạnh đó, để cạnh tranh thắng lợi, doanh nhân phải cập nhật và đào sâu kiến thức về trầm hương, về kinh nghiệm trồng cây dó bầu, khai thác đúng quy trình công nghệ để có chất lượng trầm cao nhất có thể.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm