EVN đề xuất nhập khẩu điện gió từ Lào
Jeju Air sắp khai trương đường bay Đà Lạt – Seoul / Sẵn sàng đón các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới
Cụ thể, EVN kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Trường Sơn, bổ sung thêm quy hoạch các đường dây để thực hiện đấu nối. Mức giá mua điện từ dự án này là 6,95 US cents/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh.
Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý về chủ trương mua điện gió của nhà máy điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW từ tỉnh Bolikhamsai (Lào) về Việt Nam theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo Bộ Công Thương, nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào quý IV/2025. Giá điện được chủ đầu tư cam kết áp dụng với mức giá trần nhập khẩu từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 US cents/kWh (tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh).
“Để nhập điện từ nhà máy này về Việt Nam sẽ xây mới đường dây 220 kV mạch kép với chiều dài 75 km từ trạm biến áp 220 kV nhà máy điện gió Trường Sơn đấu nối vào ngăn lộ 220 kV tại trạm biến áp 220 kV Đô Lương của tỉnh Nghệ An - Việt Nam”, Bộ Công Thương cho hay.
Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án năm 2025, chủ đầu tư dự án - Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Lào đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất bán điện từ dự án này cho Việt Nam. Theo đó, chủ đầu tư đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Bộ Công Thương, EVN cho biết: Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam đã có thỏa thuận nhập khẩu tối thiểu điện từ Lào về Việt Nam đến năm 2020 với công suất khoảng 1.000 MW. Lượng điện nhập khẩu đến năm 2025 khoảng 3.000 MW và đến năm 2030 khoảng 5.000 MW. Tính đến cuối tháng 10, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu từ các nguồn điện tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.
“EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua điện từ 26 nhà máy điện của Lào với tổng công suất 2.240 MW. Trong đó, có 7 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất là 806MW và dự kiến đến năm 2025 có thể đưa vào vận hành thêm 1.171 MW”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo báo cáo, đến nay tổng công suất nguồn điện tại Lào đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện về Việt Nam có thể đưa vào vận hành đến năm 2025 chỉ khoảng 1.977 MW, thấp hơn nhiều so với quy mô nhập khẩu theo biên bản ghi nhớ.
Tại cuộc họp về hợp tác mua bán điện, than giữa Lào và Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: An ninh năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện và nhiên liệu sơ cấp (than, khí) để phục vụ sản xuất điện có vai trò vô cùng quan trọng với nền kinh tế. Trong đó, việc nhập khẩu điện, than từ nước ngoài; trong đó có Lào, là rất quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tập trung cao độ để triển khai xây dựng, hoàn thiện đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đúng tiến độ đồng thời khẩn trương hoàn thành đường dây truyền tải từ Lào về Việt Nam theo tiến độ được duyệt.
Cục Điều tiết Điện lực được giao khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan hướng dẫn mua bán điện từ nước ngoài, đặc biệt là các dự án từ Lào và cùng Cục Điện lực, EVN xây dựng khung giá điện nhập khẩu từ Lào năm 2025, trình Chính phủ trong quý I/2024.
Với nhập khẩu than, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc được giao đề xuất cơ chế đặc thù cho nhập khẩu than, nhất là nhập từ Lào, theo hiệp định liên chính phủ để trình Thủ tướng xem xét quyết định trong tháng 12. Hai đơn vị này cũng có cơ chế đề xuất Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng than của Lào báo cáo chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại thuế, phí liên quan để giảm giá thành xuất khẩu than sang Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo